MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG DÀNH CHO DẠNG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Ngày 23/12/2020 13:36:55, lượt xem: 3636

MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG DÀNH CHO DẠNG BÀI NLVH

Kỳ thi cuối học kì I đang đến rất gần rồi, có lẽ đây là thời điểm quan trọng để các bạn nhỏ hệ thống lại kiến thức đã học và dành nhiều thời gian hơn để ôn tập cho kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, với lượng kiến thức khá lớn và nhiều. Vậy chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu? Để dễ dàng chinh phục kỳ thi cuối học kì 1 môn Ngữ Văn hãy xem một số lưu ý quan trọng đối với dạng bài NLVH (phần chiếm 5 điểm trong cấu trúc đề) cùng Học văn chị Hiên nhé!

  1. Một số những lưu ý chung với dạng bài NLVH

Bước 1: Phân tích đề – xác định các yêu cầu của đề

- Xác định dạng đề.

- Yêu cầu nội dung (đối tượng).

- Yêu cầu về phương pháp.

- Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.

Bước 2: Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý: Theo bố cục ba phần

- Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.

+ Giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Thân bài: Phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm, đoạn trích để làm rõ vấn đề cần nghị luận hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của đoạn trích.

- Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.

Bước 3: Viết bài

- Dựa theo dàn bài đã xây dựng, viết thành bài văn hoàn chỉnh.

- Chú ý viết đoạn văn phải thể hiện được nổi bật luận điểm và chứng minh bằng những luận cứ rõ ràng; Các đoạn phải có liên kết, chuyển tiếp nhau.

Bước 4 : Kiểm tra, chỉnh sửa

  1. Dàn ý của bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Mở bài

– Giới thiệu ngắn gọn về những nét chính về tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu những vấn đề nghị luận và trích dẫn.

Thân bài

– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn thơ, bài thơ,…

– Phân tích cụ thể khổ thơ, đoạn thơ

+ Phân tích theo bố cục của bài hoặc từng câu (bổ ngang)

+ Phân tích theo hình tượng hoặc nội dung xuyên suốt bài thơ (bổ dọc).

– Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ: những hình ảnh giàu ý nghĩa, biểu tượng, cấu tứ, nhịp điệu.

Kết bài

- Đánh giá khái quát và khẳng định giá trị riêng, đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ nghị luận

  1.  Dàn ý của bài văn nghị luận về một đoạn trích

Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả/tác phẩm và dẫn vào đoạn trích.

Thân bài:

Bước 1: Khái quát tác phẩm trước đoạn trích đó (phân tích qua khoảng 7-8 dòng). 

Nếu là đoạn đầu thì bỏ qua. (Ví dụ: cảm nhận đoạn văn về cảnh vượt thác trong Người lái đò Sông Đà thì phải khái quát, giới thiệu đoạn trước đó với nội dung: sông Đà hung bạo, hùng vĩ, tính cách nham hiểm, độc dữ của loài thuỷ quái). Sau đó chúng ta nêu vị trí đoạn trích cũng như nêu nội dung đoạn văn ta sắp cảm nhận (nêu khái quát nhất – khoảng 3-4 dòng)

Bước 2: Cảm nhận vào đoạn chính.

+ Xác lập luận điểm dựa trên nhóm câu có cùng chung nội dung.

+ Ví dụ: Trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà đoạn: “Sông Đà tuôn dài, tuôn dài….đốt nương xuân”. Nhóm câu này có nội dung nói về hình dáng sông Đà cảm nhận từ góc nhìn từ trên cao; sông Đà hiện lên như hình ảnh một người đàn bà kiều diễm. Xác định được nội dung đó thì ta có thể xác lập ra luận điểm: “Nhà văn chiêm ngưỡng dòng sông ở nhiều góc độ. Từ trên cao nhìn xuống – sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình lãng mạn và gợi cảm biết bao qua phép so sánh, liên tưởng độc đáo tới người đàn bà có áng tóc trữ tình mê đắm….”.

+ Chú ý các câu văn, hình ảnh có sử dụng nghệ thuật. Nhất là kiểu câu sử dụng các động từ, tính từ. Kiểu câu phức, câu ghép, câu đặc biệt…

+ Đoạn văn này được đặt trong chỉnh thể của tác phẩm nên khi các em cảm nhận thì phải có sự liên kết với nội dung chung và giá trị chung của tác phẩm đó. Nghĩa là các em phải mở rộng ra toàn tác phẩm (dù đoạn văn đó là chính nhất)

+ Sau khi cảm nhận hết đoạn trích thì cảm nhận đoạn sau đó một cách sơ lược (7-8 dòng); nếu như là đoạn kết tác phẩm thì thôi.

Bước 3: Đánh giá đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích: tình huống truyện, trần thuật, giọng văn, tu từ….

Kết bài: Đánh giá lại vấn đề.

Học văn chị Hiên mong rằng những lưu ý dành cho bài NLVH sẽ giúp các bạn nhỏ tránh những lỗi thường gặp và viết nên những bài NLVH xuất sắc cũng như đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Theo dõi thêm nhiều thông tin, bài học thú vị tại: Học văn chị Hiên hoặc Học văn chị Hiên - Youtube

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

Tin liên quan