Đề thi thử số 3

Ngày 09/11/2018 22:14:32, lượt xem: 2782

Phân tích tấn bi kịch của Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ, từ đó liên hệ với bi kịch của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao để từ đó bình luận quan niệm nghệ thuật về con người mà hai nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.

HƯỚNG DẪN

Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm;

– Giới thiệu bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba của vở kịch

VD: Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch Việt Nam những năm tám mươi của thế kỷ XX. Ông được coi là nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại. Tác phẩm của ông toát lên một ý vị triết lí và nhân sinh về đời người, kiếp người. Ông có nhiều tác phẩm kịch gây chấn động dư luận, trong đó có vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Trong đoạn trích ( cảnh 7) của vở kịch, tác giả đã diễn tả sâu sắc bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba, qua đó gửi gắm nhiều suy tư của tác giả.

Thân bài:

Khái quát về tác phẩm :Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm, tóm tắt cốt truyện.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, được sáng tác từ năm 1981, nhưng ba năm sau (1984) mới được ra mắt khán giả. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người.

– Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba.

– Đoạn trích là phần lớn cảnh VII. Đây cũng là đoạn kết của vở kịch, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm. Sau mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình, muốn thoát ra khỏi nghịch cảnh trớ trêu.

Giải thích: Bi kịch là gì? là trạng thái đau khổ về tinh thần khi con người đứng trước những mâu thuẫn không thể hóa giải, khi mong muốn khát vọng và thực tiễn hoàn toàn trái ngược… Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, nhân vật Trương Ba là người mang tấn bi kịch đó.

Phân tích tấn bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba :

Trương Ba có số phận bi kịch đáng thương:

– Chịu cái chết oan uổng do sự tắc trách của quan trời: Trương Ba vốn là người làm vườn hiền lành, khỏe mạnh, chăm chỉ, yêu thương vợ con, sống có tâm hồn trong sạch. Nhưng do Nam Tào vội đi dự tiệc nên đã bắt chết nhầm.

– Không được là chính mình: Sự sửa sai của Nam Tào, Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba lại đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh vô lí hơn: phải trú nhờ linh hồn minh trong thân xác của người khác, bi kịch hồn này, xác nọ. Con người vốn là một tổng thể thống nhất, vậy mà Trương Ba lại không được sống là mình trọn vẹn.

1. Bi kịch bị tha hóa về nhân cách:

– Trước kia: Trương Ba là người làm vườn chăm chỉ, khéo léo (qua lời của cái Gái, chị con dâu), luôn quan tâm tới vợ con, chăm sóc yêu chiều các cháu, hòa thuận, tốt bụng với xóm làng. Bởi vậy, trong mắt người thân, ông là người mẫu mực được yêu quý, kính trọng.

– Bây giờ: Từ khi sống trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ, phàm phu. Xác thịt âm u, đui mù nhưng vẫn có tiếng nói riêng, sức mạnh riêng. Lin hồnnhân hậu, trong sạch, ngay thẳng của Trương Ba vì phải sống mượn, gá lắp, tạm bợ, lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt mà trái lại còn bị cái xác ấy nó điều khiển. Đáng sợ hơn, hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể.

– Trương Ba cảm nhận được sự thay đổi của chính mình dù không muốn thừa nhận: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Ông cố bấu víu vào các trò chơi tâm hồn đổ lỗi cho xác: “ Đấy là mày đấy chứ, chân tay mày, hơi thở mày.” Nhưng rồi Trương Ba cũng không thể phủ nhận được một sự thật đau đớn là ông đang dần đánh mất mình: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta.”

Bi kịch bị người thân xa lánh, hắt hủi

– Người vợ mà ông rất mực yêu thương giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết đòi bỏ đi. Cái Gái không thừa nhận ông, xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”. Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, sấu sắc, hiểu điều hơn lẽ thiệt nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả” khiến chị cũng không đừng nói lên sự thật đau đớn : “Thầy bảo con cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy…mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”

– Tâm trạng của Trương Ba vô cùng đau khổ và tuyệt vọng vì bị gia đình- nơi cuối cùng có thể tìm thấy sự yêu thương và cảm thông- từ chối.

1. Bi kịch bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo:

 

– Bên trong: Thẳm sâu trong tâm hồn Trương Ba luôn có những nhu cầu tinh thần thanh cao, muốn giữ gìn danh dự, muốn sống có đạo đức và trách nhiệm, sống thanh thản trong những nguồn vui giản dị. Trong xác anh hàng thịt, Trương Ba vẫn ngày ngày chăm sóc cây, yêu thương con cháu, luôn muốn là bản thân mình trọn vẹn.

– Bên ngoài: Tuy nhiên, do bị trói buộc bởi một xác hàng thịt, nên hồn Trương Ba giờ đây là gắn với nhu cầu của thể xác phàm tục như thèm ăn thịt, muốn thỏa mãn những dục vọng tầm thường, Trương Ba trở thành một người vụng về, thô lỗ bị mọi người xa lánh.

– Mối quan hệ: Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt là cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn cùng tồn tại trong một con người. Thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau, cả hai gắn bó với nhau để cùng sống, cùng tồn tại. Thể xác có tính chất độc lập tương đối của nó, có tiếng nói của nó, có khả năng tác dộng vào linh hồn, vì nó là nơi trú ngụ của linh hồn. Khi thể xác tiêu tan thì linh hồn cũng mất. Khi linh hồn bay đi thì thể xác cũng trở về với cát bụi. Nhờ có linh hồn đấu tranh, chi phối với những ham muốn, những dục vọng tầm thường của thể xác mà nhân cách được hoàn thiện, tâm hồn được trong sáng. Bởi vậy, sự khác biệt giữa linh hồn và thể xác sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trong những cuộc đối thoại Trương Ba không chỉ phải đấu tránh với thể xác hàng thịt âm u, đui mù mà còn phải đấu tranh với quan Trời: Đế Thích. Cuối cùng, Trương Ba đã phải tìm đến cái chết, mắc dù lòng khát khao được sống rất mãnh liệt. Những dằn vặt đau đớn của Trương Ba và cuối cùng quyết định chọn lấy cái chết để giữ gìn những giá trị tốt đẹp của Hồn Trương Ba khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm.

Liên hệ: Bi kịch của Chí Phèo để làm rõ quan niệm nghệ thuật về con người mà hai nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.

Bi kịch của Chí Phèo:

* Bi kịch bị lưu manh hóa: (Bi kịch bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính):

– Nhà tù thực dân có một sự tàn phá ghê gớm đối với con người, biến một anh nông dân lương thiện thành một con quỹ dữ. Chí Phèo ra tù với bộ dạng hoàn toàn mới “cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm…”

– Về nhân tính: Ra tù hôm trước hôm sau hắn đã ra chợ uống rượu và ăn thịt chó, hắn xách chai đến nhà Bá Kiến rạch mặt, ăn vạ. Bị lão gian hùng dụ dỗ, hắn trở thành tay sai đắc lực chuyên đòi nợ cho nhà Bá Kiến. Chí Phèo triền miên trong những cơn say và làm tất cả những việc người ta sai hắn làm. Hắn đã làm đổ máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện, phá nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm tan vỡ bao hạnh phúc. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

* Bi kịch bị từ chối quyền làm người: Mơ ước được hoàn lương và bi kịch từ chối quyền làm người Thị Nở và bát cháo hành là tình cảm nhân đạo mà Nam Cao đã dành cho nhân vật của mình.

– Sau đêm gặp gỡ với Thị Nở, tình yêu thương chân thành mà giản dị của Thị Nở đã giúp Chí tỉnh giấc sau những năm tháng say triền miên. Lần đầu Chí Phèo được lo lắng, chăm sóc thật sự. Hắn cảm thấy mình có thể hòa hợp với mọi người và khao khát được làm người lương thiện. Hắn mong Thị Nở sẽ mở đường cho hắn.

– Bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo vô cùng đau đớn đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện, đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn. Chí Phèo phải chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống. Nỗi đau đớn tận cùng của con người không phải là chết mà là sống không có quyền làm một con người. Chính vì thế có thể khẳng định đây chính là bi kịch lớn nhất của Chí Phèo.

So sánh:

* Điểm tương đồng:

Cả hai nhân vật Trương Ba và Chí Phèo đều phải chịu những bi kịch đau đớn do giai cấp thống trị gây nên: Bi kịch tha hóa và bi kịch bị xã hội, người thân chối bỏ.

* Điểm khác biệt:

– Bi kịch của Trương Ba do sự tắc trách của Nam Tào, sự sửa sai một cách vô tâm của họ.

– Bi kịch của Chí Phèo do bị chế độ phong kiến áp bức đến cùng cực, Chí quay lại tìm cách chống trả mà trở thành lưu manh.

– Trương Ba nhận ra bi kịch của mình, còn Chí thì không, Chí không biết đã gây ra bao tội ác cho dân làng.

* Quan niệm nghệ thuật về con người mà hai nhà văn gửi gắm qua tác phẩm. Con người dù sống trong hoàn cảnh bi đát thế nào cũng luôn đấu tranh để loại trừ cái xấu, để gìn giữ nhân cách cao đẹp: Trương Ba quyết định chết và trả lại xác cho anh Hàng Thịt để mình luôn được sống trong lòng của những người thân yêu với những ấn tượng tốt đẹp; Chí Phèo chết để được là Người chứ nhất quyết không sống kiếp quỷ dữ nữa. Đó là niềm tin bất diệt của 2 nhà văn vào con người.

Kết bài

– Số phận bi kịch của con người trong xã hội phong kiến- Giá trị tố cáo.

– Con người luôn cố gắng vượt lên, giữ phẩm giá, hoàn thiện nhân cách – Giá trị nhân văn cao đẹp.

Tin liên quan