CHỮA ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

Ngày 05/04/2021 23:00:41, lượt xem: 2024

ĐỀ BÀI:
Phân tích đoạn thơ sau để thấy được dòng hoài niệm đẹp đẽ của người cháu về tuổi thơ sống bên bà.

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
(Trích Bếp lửa - Bằng Việt - Ngữ văn 9, NXBGD Việt Nam, 2017)

 


BÀI LÀM


Ai trong chúng ta lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất quê hương cũng đều cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn học. Dòng sữa văn học đã chắp cánh cho ước mơ bay bổng đưa tâm hồn những “cánh cò trắng” bay hoài không mỏi. Tất cả đều sinh động và len lỏi vào tận giấc mơ của những ngày thơ dại. Có thể nói nếu như kể đến những tinh túy chắt lọc từ cuộc sống thì thơ ca giống những những hạt ngọc sáng lấp lánh trong khu vườn văn học nước nhà. Văn học bao giờ cũng đi từ cuộc sống và trở về với cuộc sống. Và “Bếp lửa” là một bài thơ như vậy. Ra đời năm 1963, Bếp lửa là một bài thơ của nỗi nhớ về một bếp lửa tuổi thơ, nhớ rành rọt, nhớ ngọn ngành. Không dễ gì mà biết nhớ như vậy. Nhà thơ đã thổi bùng lên một bếp lửa ấp iu nồng đượm trong kí ức để hiện lên mối tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích:
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
………………………………………..
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”


Bài thơ “Bếp lửa” là một trong những sáng tác xuất sắc nhất của Bằng Việt. Trong tác phẩm ta không chỉ thấy hình ảnh một hình ảnh người bà tảo tần, chịu thương chịu khó, mà nổi bật là hình ảnh bếp lửa. Hình ảnh bếp lửa xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, là điểm tựa cảm xúc, là hình tượng trung tâm của tác phẩm, Đồng thời qua hình tượng này tư tưởng chủ đề của văn bản được thể hiện một cách sâu sắc nhất. Như một thước phim quay chậm, những kỉ niệm gắn liền với hình ảnh người bà ùa về. “Tám năm ròng cháu sống cùng bà” – tám năm cháu nhận được sự yêu thương, che chở, dưỡng nuôi tâm hồn từ tấm lòng của bà. Tám năm ấy, cháu sống cùng bà vất vả, khó khăn nhưng đầy tình yêu thương. Kháng chiến bùng nổ, “Mẹ cùng cha công tác bận không về”, bà vừa là cha, lại vừa là mẹ: “bà bảo cháu nghe - Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”. Chính bà là người đã nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu nên người. Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế để nhắc nhở cháu về truyền thống gia đình, về những đau thương mất mát và cả những chiến công của dân tộc. Bà luôn bên cháu, dạy dỗ, chăm sóc cho cháu lớn lên. Một loạt các từ ngữ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” vừa diễn tả một cách sâu sắc tình thương bao la, sự chăm chút hết mình của người bà dành cho cháu, vừa thể hiện được lòng biết ơn của cháu đối với bà. Bà không chỉ chăm lo cho cháu từng chút một mà còn là người thầy đầu tiên dạy cho cháu bao điều về cuộc sống, những bài học của bà trở thành hành trang cháu mang theo trong suốt quãng đời còn lại. Xuân Quỳnh từng viết về một người bà như thế trong “Tiếng gà trưa”: 
“Tiếng gà trưa 
Mang bao nhiêu hạnh phúc 
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng”.

 


Với Bằng Việt cũng vậy, được ở với bà là cả một niềm hạnh phúc vô bờ. Cặp từ “bà” và “cháu” xuất hiện trong từng phép liệt kê như gợi lên hình ảnh hai bà cháu gắn bó, quấn quýt không rời, gợi lên một thế giới mà trong đó bà là tất cả.Hình ảnh bà và bếp lửa của tình bà cháu đã gợi ra một liên tưởng, một hồi ức khác trong tâm trí thi sĩ – tiếng chim tu hú. Theo truyền thống văn học, tiếng chim tu hú thường gợi nên sự khắc khoải, xa cách, trông mong, một âm thanh mang sắc điệu trầm buồn. Tiếng chim vang vọng ấy rất khác với những âm thanh căng tràn sự sống trong thơ Tố Hữu : 
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”. 

Cùng là tiếng tu hú kêu mỗi độ vào hè nhưng với Bằng Việt, âm thanh ấy như giục lúa mau chín để người nông dân mau thoát khỏi cái đói, như khơi dậy trong bà những kỉ niệm ngày xưa ở Huế, để bắt đầu những câu chuyện êm đềm cho tuổi thơ của cháu. Thật là hồn nhiên, trong sáng và xúc động làm sao khi nhà thơ tâm tình với chim tu hú. Tiếng chim tu hú là tiếng chim quen thuộc của đồng quê mỗi độ vào hè. Tiếng chim râm ran trong vườn lá, trên cánh đồng cứ khắc khoải kêu mãi, kêu hoài, trong hiện thực đã tha thiết, tiếng chim trong nỗi nhớ như giục giã, khắc khoải một điều gì da diết lắm, khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong. Một tiếng chim đong đầy kỉ niệm đến nỗi tác giả phải thốt lên lời cảm thán rằng: “tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”. Nhà thơ đang kể chuyện về bà mà như tách hẳn ra để trò chuyện trực tiếp với bà: “bà còn nhớ không bà…? Còn gì hơn với những chi tiết tự sự xúc động như thế?

Đoạn thơ khiến ta chạnh nhớ về “tiếng chim tu hú” của nữ sĩ Anh Thơ: tiếng chim tu hú gắn liền với hình ảnh cha già với những kỉ niệm về một thời thiếu nữ hoa niên, tiếng chim tu hú len lỏi khắp bài thơ như một âm thanh u ẩn, không buồn mà tiếc. Còn ở đây, tiếng chim tu hú bước vào thơ Bằng Việt như một chi tiết để gợi nhắc nhà thơ về những kỉ niệm ấu thơ được sống bên bà. Tiếng chim tu hú – âm thanh quen thuộc của làng quê Việt Nam mỗi độ hè về, báo hiệu mùa lúa chín vàng đồng, vải chín đỏ cây. Phải chăng đó chính là tiếng đồng vọng của đất trời để an ủi, sẻ chia với cuộc đời lam lũ của bà? Câu hỏi tu từ “Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà – Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa” mới thấm thía làm sao, xót xa làm sao! Tiếng vọng đồng chiều ấy vang lên trong khổ thơ càng như giục giã, như khắc khoải một điều gì đó tha thiết lắm, để dòng kỉ niệm trải dài hơn, rộng hơn, sâu hơn trong không gian xa thẳm của nỗi nhớ thương. Và trong dòng chảy ấy, hiện lên những ký ức thân thương về tình bà cháu sâu đậm. Tình yêu và kính trọng bà của tác giả được thể hiện thật chân thành, sâu sắc: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Bà và bếp lửa là chỗ dựa tinh thần, là sự chăm chút, đùm bọc dành cho cháu. Bếp lửa của quê hương, bếp lửa của tình bà lại gợi thêm một kỉ niệm tuổi thơ – kỉ niệm gắn với tiếng chim tu hú trên đồng quê mỗi độ hè về:
“Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”


Câu cảm thán “Tu hú ơi !” kết hợp với câu hỏi tu từ vang lên như một lời trách cứ nhẹ nhàng. Ở giữa nước Nga xa xôi, tiếng chim tu hú vọng lại trong hồi ức của Bằng Việt khiến nỗi nhớ trào dâng trong lòng nhà thơ cùng những câu hỏi mênh mang : khi cháu đã đi rồi thì ai sẽ “cùng bà nhóm lửa”, ai sẽ nghe bà “kể chuyện những ngày ở Huế”…Lời thơ là hỏi chim tu hú, hay là hỏi chính mình ? Là lời than thở, trách móc hay chính là mong ước khôn nguôi muốn được trở lại bên bà ? Câu hỏi tu từ “Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà – Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa” mới thấm thía làm sao, xót xa làm sao! Nó diễn tả nỗi lòng da diết của tác giả khi nhớ về tuổi thơ, nhớ về bà. Những câu thơ như lời đối thoại tâm tình, cháu trò chuyện với bà trong tâm tưởng, cháu trò chuyện với chim tu hú trong tình yêu thương. Và tất cả đều là sự bộc bạch của cháu dành cho người bà kính yêu. Hình ảnh của bà, hình ảnh của bếp lửa và âm thanh của chim tu hú vang vọng trong một không gian mênh mông khiến cả bài thơ nhuốm phủ sắc bàng bạc của không gian hoài niệm, của tình bà cháu đẹp như trong chuyện cổ tích.

 

Bằng cách sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, những từ ngữ biểu cảm, tình cảm bà cháu đã được diễn tả thật xúc động và bồi hồi. Bài thơ chính là món quà quý giá Bằng Việt gửi đến cho người đọc, gửi đến độc giả những thông điệp quý báu về tình bà cháu, tình yêu đất nước thiêng liêng, sâu nặng, nuôi dưỡng tâm hồn con người muôn thuở. Đọc xong bài thơ, nhắm mắt lại tưởng tượng, bạn sẽ hình dung thấy ngay hình ảnh bếp lửa hồng và dáng người bà lặng lẽ ngồi bên. Hình ảnh có tính sóng đôi này hiện lên thật sống động, rõ ràng như thể nét khắc, nét chạm vậy… (Văn Giá). Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. “Bếp lửa” của Bằng Việt là một bài thơ như thế, đọc lên không còn thấy câu thơ, chỉ thấy tình cảm chan chứa thắm thiết của tình bà cháu, tình yêu quê hương đất nước.  Bài thơ Bếp lửa sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc nhờ sức truyền cảm sâu sắc của nó. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của ta.

 

ĐĂNG KÝ NGAY KHÓA CODE VĂN ĐỂ CHẠY NƯỚC RÚT CHO KỲ THI RƯỚC RÚT SẮP TỚI TẠI ĐÂY:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn CHị Hiên.

 


 

Tin liên quan