Đăng Ký Học
Ngày 18/09/2024 10:23:54, lượt xem: 1540
Đề bài: So sánh hai văn bản kịch “Tiền bạc và tình ái” trích “Lão hà tiện” của Mô-li-e và “Màn diễu hành – Trình diện quan thanh tra” trích “Quan thanh tra” của Gô-gôn.
Bài làm
George Sand nhận định rằng: “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”. Quả thực, văn chương kì diệu lắm bởi vốn dĩ văn chương chính là khởi nguồn của điểm tựa tinh thần, là xứ sở cái đẹp hướng con người đến những điều cao cả, đẹp đẽ và trong sáng của cuộc sống. Nhờ có văn chương, những người cầm bút đã xoa dịu tâm hồn tổn thương, trái tim cần được chữa lành giúp con người thoát khỏi sự tăm tối, bế tắc của cuộc đời. Phải chăng đó cũng là cách Mô-li-e và Gôn-gô khiến cho hai vở hài kịch “Lão hà tiện” và “Quan thanh tra”, đặc biệt là trích đoạn “Tiền bạc và tình ái” và “Màn diễu hành - Trình diện thanh tra” sống mãi trong dòng chảy văn học nhân loại. Hai tác phẩm hài kịch kinh điển trên đều mang trong mình những tiếng cười đanh thépđể phê phán, lên án những “căn bệnh” xã hội song ở mỗi tác phẩm lại có những nét riêng biệt độc đáo thể hiện phong cách riêng của người nghệ sĩ.
Trong văn học, hài kịch là thể loại kịch dùng tiếng cười để chế giễu những hiện tượng đáng phê phán vốn đi lệch các chuẩn mực tốt đẹp của con người và cộng đồng. Quan thanh tra, “Trưởng giả học làm sang” hay “Lão hà tiện” là những tác phẩm hài kịch kinh điển nổi tiếng trên thế giới thể hiện những giá trị nhân văn sâu sắc. Hài kịch mang những đặc điểm chung của kịch đồng thời thể hiện những nét đặc điểm riêng trên các phương diện về nhân vật, hành động, xung đột, lời thoại, thủ pháp trào phúng,...
Nếu như “Tiền bạc và tình ái” tập trung vào việc bóc trần thói tham lam, ích kỉ của cá nhân đặc biệt là tầng lớp tư sản thì “Màn diễu hành –Ttrình diện quan thanh tra” lại hướng mũi nhọn vào sự tham nhũng, hối lộ của bộ máy quan lại. Trong “Tiền bạc và tình ái” tác giả xây dựng câu chuyện xoay quanh nhân vật Ác-pa-gông, sự hà tiện đã khiến lão trở nên lú lẫn và mặc định mọi câu chuyện của mọi người xung quanh đều đang nói về đống tiền của lão. Ác-pa-gông là sự hiện thân của lòng tham vô độ, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giữ lấy đồng tiền. Trong khi đó, “Màn diễu hành – Trình diện quan thanh tra” tập trung vào phê phán, phơi bày bộ mặt của hệ thống bộ máy quan lại, tình huống quan chức địa phương tìm đến nịnh bợ, mua chuộc, hối lộ Khle-xta-kốp mong được bỏ qua sai phạm của họ trong công việc đã được Gôn-gô miêu tả rất rõ. Hai tình huống trên đã thành công thể hiện sự đặc trưng của hài kịch cũng như sự trào phúng, châm biếm sâu cay và mang tính thời sự sâu sắc.
Trong mỗi tác phẩm hài kịch, xung đột kịch bao giờ cũng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự đặc sắc và thành công cho tác phẩm đó. Trong “Tiền bạc và tình ái”, khi lão ta mất tiền rồi lẫn tự nắm tay mình mà đòi nợ “A tôi đây mà. Trí óc tôi loạn rồi” đã khiến xung đột dâng lên. Những xung đột ấy nảy sinh giữa lão và con cái lão, giữa lão với và đầy tớ, đặc biệt là sự mâu thuẫn, đối lập giữa nội dung với hình thức giữa biểu hiện bên ngoài với bản chất bên trong của nhân vật Ác- pa-gông. Còn trong văn bản “Màn diễu hành - Trình diện quan thanh tra”, xung đột kịch chủ yếu nằm ở sự hiểu lầm hài hước giữa các nhân vật. Cụ thể, các quan chức thị trấn đã nhầm lẫn Khle-xta-kốp, một người khách lưu trú tại nhà trọ thành quan thanh tra đến từ thủ đô. Sự nhầm lẫn này tạo ra một tình huống đầy oái ăm, trớ trêu và dở khóc dở cười bởi Khle-xta-kốp vốn là công chức nhỏ - một “con người nhỏ bé”, “trống rỗng nhất” chui lủi từ căn hộ này đến căn hộ khác ở Pê-téc-pua để trốn tiền thuê nhà, lừa đảo kiếm miếng ăn. Vậy mà khi đi ngang qua thành phố hắn lại được thị trưởng và đám quan chức nhầm tưởng thành quan thanh tra, thi nhau nịnh hót, hối lộ Khle-xta-kốp chỉ vì thói quen ăn quỵt tiền.
Tiếp theo, khi phân tích về nhân vật kịch ta có thể thấy rằng “Tiền bạc và tình ái” chia làm hai tuyến nhân vật đối lập nhau. Ác-pa-gông là một nhà tư sản giàu có mà keo kiệt đại diện cho tuyến nhân vật giàu có - bủn xỉn. Lão ta luôn tính toán thiệt hơn và đánh đổi cả tình yêu của con trai, con gái của mình để đổi lấy danh vọng, tiền tài. Khi mất tiền, Ác-pa-gông đã thể hiện rõ nét cảm xúc sợ hã, đau đớn, tức giận, điên dại: “Than ôi! Khốn khổ tiền của tôi ơi, khốn khổ tiền của tôi ơi, bạn yêu quý ơi, chúng đã cướp mất mày của tao đi rồi! Và mất mày là tao mất chốn nương tựa, niềm an ủi, nỗi vui của tao, thế là đời tao hết rồi, tao chẳng còn sống ở thế gian làm gì nữa! Không có mày, tao sống là sao nổi…” Sự vận động của cảm xúc nhân vật chuyển biến theo mức độ tăng dần cho đến khi điên dại và lão nghi ngờ Va-le-rơ ăn cắp tiền của mình. Trong khi đó Va-le-rơ, nhân vật hiện thân cho tuyến nhân vật nghèo khổ - giàu tình cảm đang chìm đắm trong tình yêu với con gái của Ác-pa-gông dẫn đến những xung đột kịch cao trào. Song trong “Màn diễu hành - Trình diện quan thanh tra”, nhà văn Gôn-gô xây dựng nhân vật trung tâm mà đồng thời tập trung lên án, bóc trần bộ mặt thật toàn bộ tầng lớp quan chức tham nhũng lúc bấy giờ. Tác giả xây dựng tình huống gắn với những nhân vật phản diện như thị trưởng, chánh án, kiểm học nhằm vạch trần bộ máy quan chức cồng kềnh, quan liêu và mục nát của chế độ Nga hoàng.
Về nghệ thuật, trong hai văn bản đều sử dụng ngôn ngữ đối thoại vô cùng sinh động, bộc lộ rõ nét tính cách, bản chất của các nhân vật. Đặc biệt, cả hai nhà văn đều thể hiện rõ nét đặc trưng thể loại khi sử dụng nghệ thuật trào phúng vào trong văn bản. Tuy nhiên, nếu trong “Tiền bạc và tình ái” nhà văn Mô-li-e sử dụng giọng điệu than vãn, trách móc, đau khổ cùng những hành động, cử chỉ cảm thấy mọi người coi mình là trò đùa và nhìn ai cũng giống như kẻ tham gia vào vụ trộm của mình. Thì trái lại trong “Màn diễu hành - Trình diện thanh tra”, tác giả Gô-gôn lại tạo sự nổi bật, tăng cường điệu khi sử dụng từ ngữ mạnh mẽ, đặc biệt và dùng các cụm từ trái nghĩa tạo ra sự tương phản, gây chú ý. Tác giả còn sử dụng ngôn ngữ đời thường, khẩu ngữ để tạo nên sự hài hước cho vở kịch.
Cả hai văn bản tuy khắc họa hình tượng nhân vật thuộc những tầng lớp xã hội, bối cảnh lịch sử khác nhau nhưng đều mang một điểm chung đó là dùng tiếng cười để chế giễu bộ mặt của giai cấp thống trị tàn án, bóc trần sự xấu xa của giai cấp bóc lột. Và từ đó, phản ánh một chế độ xã hội thối nát, chuyên quyền, trọng đồng tiền đồng thời mang đến cho người đọc những thông điệp mang giá trị nhân sinh sâu sắc. Sự thành công của hai văn bản hài kịch “Tiền bạc và tình ái” và “Màn diễu hành - Trình diện thanh tra” đã cho chúng ta thấy được tài năng và phong cách viết kịch đầy ấn tượng của hai nhà soạn kịch vĩ đại của nhân loại.
Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu), mỗi người nghệ sĩ chân chính đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực và đời sống. Đời sống là những nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn cho những sáng tác nảy nở, bước đi trên từng nẻo đường là từng giọt tư tưởng chắt chiu được hình thành. Hài kịch “Tiền bạc và tình ái” trích từ “Lão hà tiện” của Mô-li-e và “Màn diễu hành - Trình diện quan thanh tra” trích từ “Quan thanh tra” của Gôn-gô đã thành công khi để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả và trường tồn cùng thời gian. Hai nhà văn, hai phong cách riêng đã có sự đồng điệu khi tạo nên vở hài kịch xuất sắc với điểm đến là phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan