Đăng Ký Học
Ngày 08/09/2022 18:22:03, lượt xem: 6980
Bài 1. SỨC HẤP DẪN CỦA TRUYỆN KỂ
Văn bản 1,2,3: Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Câu 1. Xác định thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện chính trong từng truyện kể.
Trả lời:
* Thần Trụ trời
- Thời gian: Thuở chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật, loài người.
- Không gian: Trời đất chỉ là một đám hỗn độn tối tăm và lạnh lẽo.
- Nhân vật chính: thần Trụ Trời.
- Sự kiện chính:
+ Thần đầu đội trời lên rồi đào đất, đá đắp thành cột cao để chống trời.
+ Trời cao và khô cứng, thần phá cột, ném vung đá và đất khắp nơi tạo thành núi và cao nguyên.
+ Chỗ thần đào lên lấy đất đá thành biển.
* Thần Sét
- Thời gian: Thời gian từ rất xưa và ở trong thế giới của các vị thần trên thiên đình.
- Không gian: Trên Thiên đình, Dưới hạ giới.
- Nhân vật chính: Thần Sét.
- Sự kiện chính:
+ Giới thiệu thần Sét là người chuyên phản ánh sự thịnh nộ của Ngọc Hoàng
+ Một lần thần Sét bị Trời phạt, gà thần của Ngọc Hoàng được sai xuống mổ thần Sét nhưng không làm gì được.
+ Về sau, thần Sét cứ nghe tiếng gà là giật mình.
+ Thần Sét đã từng thua Cường Bạo Đại Vương dù sau có chiến thắng cũng khiến thiên đình một lần xấu hổ.
* Thần gió
- Thời gian: không xác định.
- Không gian: vũ trụ, thế giới thần tiên trên thiên đình.
- Nhân vật: Thần Gió.
- Sự kiện chính:
+ Giới thiệu về thần Gió.
+ Câu chuyện đùa nghịch của con thần Gió.
Câu 2. Hãy chỉ ra một số “dấu hiệu” giúp người đọc nhận biết ba truyện kể trên thuộc nhóm thần thoại suy nguyên.
Trả lời:
- Các truyện đều suy xét, tìm hiểu, cắt nghĩa nguyên nhân và giải thích sự hình thành của thế giới tự nhiên: Thần Trụ trời giải thích sự hình thành thế giới ( trời, đất, núi, sông, biển, cây, rừng...) . Thần Sét giải thích hiện tượng sấm sét. Thần Gió giải thích hiện tượng gió trong thế giới con người tồn tại.
- Nhân vật chính đều là các vị thần sáng tạo thế giới. Không gian thời gian trong truyện đều rất xưa cũng như các truyện ra đời rất sớm, đáp ứng nhu cầu giải thích nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên.
Câu 3. Trong cái nhìn của con người cổ đại, thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét có hình dạng và “tính khí” ra sao? Sự tưởng tượng về các vị thần ấy được hình thành trên cơ sở nào?
Trả lời:
- Thần Trụ Trời:
+ Hình dạng thần Trụ Trời được phóng đại tới kích thước khổng lồ. Những kích thước bình thường không thể miêu tả nổi. Hình tượng thần là hình tượng liên tục lao động, liên tục sáng tạo.
+ Tính khí: chăm chỉ, cần mẫn.
- Thần Sét:
+ Hình dạng: Mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội.
+ Tính khí: nóng nảy.
- Thần Gió:
+ Hình dạng: Có hình dạng kì quặc, không có đầu.
+ Tính khí: thật thà, chểnh mảng.
=> Sự tưởng tượng về các vị thần được hình thành trên cơ sở sự tưởng tượng cùng trường liên tưởng phong phú của người xưa qua những nhìn nhận về đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng gắn liền với thế giới thần thoại đầy màu sắc và đậm giá trị nhưng nó không quá xa vời với hiện thực cuộc sống.
Câu 4. Công việc của thần Trụ Trời, thần Sét, thần Gió là gì? Công việc đó được miêu tả như thế nào, nhằm mục đích gì?
Trả lời:
Thần Trụ trời tạo ra không gian vũ trụ, nơi thế giới con người đang sống. Thần Sét tạo ra những tia sét cùng tiếng sấm chớp giật, tương tự thần gió thì tạo ra gió. Những công việc đó được miêu tả rất cụ thể, chỉ ra quy trình, tính chất, đặc điểm nhằm mục đích giải thích được các hiện tượng, giải thích được sự hình thành, xuất hiện của tự nhiên, con người. Đó là những công việc phi thường của các vị thần nhưng được tạo ra bởi khuôn mẫu như con người, các vị thần mang dáng dấp con người. Các vị thần đều phi thường nhưng vẫn phải lao động miệt mài, nhẫn nại mới tạo ra kì tích, sáng lập được thế giới....
Câu 5. Hình tượng thần Trụ Trời, thần Sét, thần Gió phản ánh những quan niệm, nhận thức gì của người nguyên thủy về thế giới tự nhiên? Những khát vọng nào đã được họ gửi vào các hình tượng đó?
Trả lời:
- Thần thoại đối với người xưa không chỉ là nghệ thuật mà là tất cả tri thức về thế giới được phản ánh trong đó. Tác giả Đỗ Bình Trị trong cuốn “Phân tích tác phẩm văn học dân gian” cho rằng “Những mẫu chuyện về sự tích các thần cổ đại luôn luôn chứa đựng những hiểu biết thực tế và ngoại giới và những kinh nghiệm thực tế tích lũy được trong cuộc sinh tồn của các công đồng người thời cổ”, “Thần thoại diễn tả dưới hình thức những khái quát hóa nghệ thuật rộng lớn, những ước mơ ban đầu của tổ tiên chúng ta muốn chế ngự các sức mạnh của tự nhiên”, tác giả cũng trích dẫn ý kiến của M.Gorki: “Ở phía dưới mỗi sự vươn lên của trí tưởng tượng cổ đại đều có thể dễ dàng tìm thấy động lực của nó, mà cái động lực ấy thì bao giờ cũng là ước vọng của loài người muốn làm cho lao động của mình được nhẹ nhàng hơn”. “Thần thoại phản ánh nhận thức non nớt, sai lệch, đầy đủ tính chất hư ảo của người thời cổ về thế giới cũng như bản thân con người đồng thời thể hiện sự bất lực của họ trước các sự vật, hiện tượng mà không thể hiểu nổi”.
- Hình tượng các vị thần giải thích tự nhiên, giúp người xưa nhận thức tự nhiên, trả lời các câu hỏi: Tại sao? Như thế nào? Ví dụ: tại sao có trời đất, có vũ trụ muôn loài, tại sao có sấm chớp, tại sao có gió, con người đã được sinh ra như thế nào...Thần thoại suy nguyên là một phương thức nhận thức thực tại khách quan, tìm cách lí giải chúng. Thế giới tự nhiên có trước, hình thành trước khi con người xuất hiện và chúng xuất hiện đều có nguyên do của nó. Con người thông qua hình tượng thế giới tự nhiên được xây dựng để thể hiện khát khao chinh phục, cải tạo, chế ngự được thế giới tự nhiên.
Câu 6. Chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng nhân vật truyện. Từ đó nhận xét về thái độ, tình cảm của người xưa đối với thế giới tự nhiên.
Trả lời:
- Hình dáng: Kì vĩ, kì lạ, mang tầm vóc và dáng dấp vũ trụ.
- Tính cách: Đơn giản, luôn gắn với một hành động, một công việc cụ thể.
- Công việc: Mỗi vị thần có một chức năng riêng, “đảm trách” một công việc cụ thể và đều hướng tới mục đích nhận thức, lí giải các hiện tượng tự nhiên. Vì vậy công việc của họ lớn lao, kì vĩ, thần bí, đáng sợ nhưng họ cũng được miêu tả như những người lao động bình thường: vất vả, cần mẫn, cũng phải dùng sức lao động (thần Trụ Trời) và cũng có lúc chểnh mảng, sai sót (thần Sét, thần Gió).
=> Gần gũi với thế giới loài người.
- Cơ sở tưởng tượng: Từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của con người nguyên thủy và quan niệm “vạn vật hữu linh”.
=> Nhân vật thần thoại được xây dựng bằng thủ pháp cường, phóng đại, ẩn dụ; kết hợp với những chi tiết tả thực và tưởng tượng, hư cấu.
=> Đối với nhân dân, thiên nhiên vừa xa lạ, vừa đáng sợ vừa gần gũi, thân thuộc. Họ mang nhiều nỗi sợ trước thế giới quanh ta, sùng bái thiên nhiên kì vĩ, bí ẩn nhưng cũng ý thức được sức mạnh của con người và khát khao khám phá, chinh phục tự nhiên.
Câu 7. Trong những điều làm nên vẻ đẹp “một đi không trở lại” của thần thoại, có niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn. Theo bạn, niềm tin ấy có còn sức hấp dẫn đối với con người hiện đại không? Vì sao?
Trả lời:
- Sức hấp dẫn của thần thoại nằm ở tư duy “vạn vật hữu linh”: niềm tin tự nhiên mà chân thành về một thế giới mà vạn vật đều có linh hồn, có mối quan hệ qua lại, bền chặt, thiêng liêng. Ở đó, con người có thể giao tiếp với cỏ cây, muông thú; có thể dễ dàng gặp gỡ, kết bạn hoặc tranh đấu với các vị thần.
- Sức hấp dẫn thần thoại nằm ở nghệ thuật: nhận thức, tái hiện thế giới bằng lối tưởng tượng hồn nhiên, bay bổng, lãng mạn; cách kể chuyện đơn giản nhưng tự nhiên; tính nguyên hợp (chứa đựng các yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử,...)
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan