Đăng Ký Học
Ngày 16/02/2019 14:24:52, lượt xem: 1150
Với phương án tổ chức thi riêng và kết hợp xét tuyển thì năm 2019 các thí sinh có nguyện vọng theo học tại trường Đại học Luật TPHCM phải trải qua 2 vòng thi và xét tuyển.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Luật năm trước
Cụ thể, theo đề án tuyển sinh được công bố, năm nay Trường Đại học Luật TP.HCM xét tuyển thí sinh dựa trên 3 tiêu chí: điểm học bạ THPT, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả bài kiểm tra năng lực.
Bài thi kiểm tra năng lực được ra ở dạng trắc nghiệm, gồm 100 câu và thực hiện trong 75 phút. Các câu hỏi trong đề thi gồm kiến thức thuộc 4 lĩnh vực: kỹ năng tiếng Việt, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội tổng hợp, tư duy logic và IQ.
Tương tự những năm trước, Đại học Luật TP.HCM tiếp tục tuyển sinh theo phương thức riêng, xét trên 3 tiêu chí trên. Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển theo từng ngành và tổ hợp.
Phương thức tuyển sinh vào các ngành đào tạo của nhà trường sẽ được thực hiện thông qua 2 giai đoạn xét tuyển:
Giai đoạn 1 sơ tuyển căn cứ điểm thi THPT quốc gia 2019 (dự kiến 60% điểm trúng tuyển) và điểm học bạ của thí sinh trong 3 năm học phổ thông (dự kiên chiếm 10% điểm trúng tuyển) theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển.
Giai đoạn 2: Những thí sinh đủ điều kiện ở giai đoạn 1 sẽ tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực, dự kiến chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển vào trường.
Trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và tổ hợp môn xét tuyển. Thí sinh có đầy đủ điều kiện sau thuộc diện trúng tuyển: Có đủ điểm của 3 tiêu chí xét tuyển nêu trên; kết quả điểm của 3 tiêu chí này nằm trong chỉ tiêu được phép tuyển; điểm của từng môn của 3 tiêu chí không bị điểm liệt theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó bài thi đánh giá năng lực sẽ gồm 100 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 75 phút trên giấy, thang điểm 30.
Đề gồm bốn nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.
Đáng lưu ý là tỷ lệ điểm trong từng nhóm kiến thức có sự phân bố khác nhau. Cụ thể: kỹ năng sử dụng tiếng Việt 30%, kiến thức xã hội tổng hợp 30%, kiến thức pháp luật 20%, tư duy logic và khả năng lập luận 20%.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Luật TPHCM, bổ sung thêm vào khoảng giữa tháng 3 trường sẽ công bố chi tiết đề minh họa dành cho bài thi năm 2019. Đề minh họa này sẽ có những điều chỉnh so với năm trước theo hướng phù hợp hơn.
Cũng theo ông Hiển
“Bài kiểm tra không tạo áp lực cho thí sinh, không cần phải học thêm bất cứ môn học nào. Trường không tổ chức phỏng vấn trực tiếp, chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực”.
Để làm tốt bài thi, theo thạc sĩ Hiển thí sinh cần chuẩn bị tốt kiến thức nền trong chương trình THPT. Đồng thời, kết hợp chú trọng thu thập thêm kiến thức xã hội từ việc đọc thêm sách báo, xem tin tức thời sự trên các phương tiện truyền thông chính thống.
“Riêng kiến thức pháp luật sẽ nằm trong chương trình của môn học giáo dục công dân. Trường Đại học Luật TP.HCM không tổ chức ôn luyện cho thí sinh, với các câu hỏi này thí sinh cũng không cần tham gia các lớp luyện bên ngoài”.
Các thí sinh tham gia xét tuyển vào trường Đại học Luật TPHCM theo dõi để cập nhật thông tin tuyển sinh vào trường cũng như thông tin tuyển sinh của các trường khác và kỳ thi thpt quốc gia năm 2019.
Tổng hợp tin giáo dục về kỳ thi THPT Quốc Gia
Nguồn: Sưu Tầm
Tin liên quan