HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN SO SÁNH, ĐÁNH GIÁ HAI TÁC PHẨM THƠ

Ngày 09/08/2024 16:18:31, lượt xem: 2731

1. Bố cục bài viết 

  • Mở bài

​- Giới thiệu hai tác phẩm thơ. 

- Nêu nội dung, vấn đề cần so sánh, đánh giá. 

  • Thân bài:

- Phân tích, so sánh hai tác phẩm để làm rõ điểm tương đồng, khác biệt về đặc điểm/ giá trị nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm. Triển khai bài viết bằng 1 trong hai cách: kết nối hoặc song song.

  • Kết bài

- Khẳng định lại đặc điểm thể loại của tác phẩm, những giá trị chung và nét độc đáo ở mỗi tác phẩm. 

- Nêu cảm nghĩ về phong cách sáng tác của mỗi tác giả. 

 

2. Những câu hỏi giúp tìm ý cho bài viết

- Hai tác phẩm có đặc điểm/giá trị gì về nội dung và nghệ thuật?

- Hai tác phẩm có điểm gì tương đồng?

- Hai tác phẩm có điểm gì khác biệt? Vì sao có sự khác biệt đó?

- Bài viết cần có những luận điểm nào? Các luận điểm được sắp xếp theo trình tự nào?

- Lí lẽ, bằng chứng cần có cho mỗi luận điểm là gì?

 

3. Mở bài mẫu

- Mở bài 1: Văn chương bắt nguồn từ đời sống và phản ánh cuộc sống con người. Mỗi tác phẩm văn học đều viết lên nỗi niềm trăn trở, suy tư, tình yêu, khát vọng của người nghệ sĩ dành cho cuộc đời. Tác phẩm A của tác giả A và tác phẩm B của tác giả B đã thể hiện xuất sắc vấn đề nghị luận theo cách riêng.

- Mở bài 2: Nghĩ về thơ, Soren Kierkegaard - một triết gia người Đan Mạch từng băn khoăn: “Thi sĩ là gì? Một con người bất hạnh giấu nỗi đau khổ sâu sắc trong tim, nhưng đôi môi đẹp tới mức khi tiếng thở dài và tiếng khóc đi qua, chúng nghe như âm nhạc du dương… Và người ta xúm lại quanh thi sĩ và bảo: 'Hãy hát tiếp đi' - hay nói theo cách khác, 'Mong những nỗi đau khổ mới hành hạ tâm hồn anh nhưng đôi môi anh vẫn đẹp đẽ như trước, bởi tiếng khóc sẽ chỉ làm chúng tôi hoảng sợ, nhưng âm nhạc thì lại rất hay.” Người ta ví thơ là một thứ thanh âm đẹp đẽ và thật hay, dẫu rằng ấy chính là tiếng vang của một tâm hồn đang ứ đầy cảm xúc. Không nói ra, không chịu được, anh chọn cách gửi vào thơ. Đến với tác phẩm A (tác giả) và tác phẩm B (tác giả), ta như được thả hồn mình vào dòng cảm xúc đã căng, đã đầy ấy mà hiểu, mà ngấm, mà đồng điệu với thi nhân. Ở đó, ta bắt gặp sự tương đồng trong [điểm chung], song vẫn có những nét riêng về [điểm riêng]. 

 

4. Kết bài mẫu

- Kết bài 1: Cùng viết về + điểm chung + nhưng + tác phẩm A + đã + điểm khác biệt + còn + tác phẩm B + điểm khác biệt. Những trang thơ ấy không chỉ là tiếng lòng thiết tha, sự giãi bày và gửi gắm tâm tư của tác giả A và tác giả B mà còn là sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu, là khúc ca sẽ mãi ngân lên. Đúng như quy luật tồn tại và giá trị bất hủ của thơ ca bao đời nay: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, [...] thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh).

- Kết bài 2: Thơ ca tạo nên những thanh âm thật đẹp trong cuộc sống. Thanh âm về điểm gặp gỡ cùng với điểm khác biệt của tác phẩm A (tác giả A) và tác phẩm B (tác giả B) đã khiến cho người đọc như được ru dưỡng tâm hồn thêm, như hiểu và yêu cuộc sống, yêu con người hơn. Thơ ca ôm con người vào lòng, con người lại gửi gắm xúc cảm vào thơ ca. Có lẽ chính vì vậy mà dù thời gian có trôi hoài, trôi mãi thì cũng không bao giờ làm phai tàn đi vẻ đẹp của những vần thơ…

 

5. Các hướng triển khai thân bài

Luận điểm Hướng nối tiếp Hướng song song
Luận điểm 1 Thông tin chung về hai tác phẩm
- Hoàn cảnh ra đời
- Thể thơ
- Đề tài
- Chủ đề
- Mạch cảm xúc
Luận điểm 2 Phân tích làm rõ tác phẩm A
- Nội dung: mạch cảm xúc, nhân vật trữ tình, chi tiết thơ tiêu biểu,...
- Nghệ thuật: vần, nhịp, biện pháp tu từ, ngôn ngữ,...
Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm thơ
- Gọi tên được những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm thơ, lấy dẫn chứng chứng minh, bình luận trong mỗi tác phẩm.
- Lí giải nguyên nhân tương đồng: nguyên nhân có thể xuất phát từ các yếu tố như: hai tác phẩm cùng đề cập một loại hiện tượng đời sống; hai tác giả có cùng quan điểm thẩm mĩ và cách tiếp cận hiện thực; có hiện tượng tác giả này chịu ảnh hưởng tác giả kia về đề tài, cảm hứng, bút pháp, phong cách sáng tác,...
Luận điểm 3 Phân tích làm rõ tác phẩm B
- Nội dung: mạch cảm xúc, nhân vật trữ tình, chi tiết thơ tiêu biểu,...
- Nghệ thuật: vần, nhịp, biện pháp tu từ, ngôn ngữ,...
Điểm khác biệt giữa hai tác phẩm thơ
- Gọi tên được những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm thơ, lấy dẫn chứng chứng minh, bình luận trong mỗi tác phẩm.
- Lí giải nguyên nhân khác biệt: nguyên nhân có thể xuất phát từ các yếu tố như: mỗi nhà văn có quan điểm thẩm mĩ, cách tiếp cận hiện thực và cá tính sáng tạo riêng, mỗi nhà văn chịu ảnh hưởng của một truyền thống văn hóa, văn học khác nhau; đối tượng được miêu tả, cảm xúc được thể hiện ở mỗi tác phẩm có điểm đặc thù,...
Luận điểm 4 Đánh giá, nhận xét, mở rộng
- Chỉ ra và đánh giá về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm thơ.
+ Nhận xét và chỉ ra nguyên nhân về nét tương đồng của 2 tác phẩm.
+ Nhận xét và chỉ ra nguyên nhân về nét khác biệt của 2 tác phẩm.
- Khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng: liên hệ, mở rộng đối với những tác phẩm khác cùng đề tài (ví dụ: đề tài người lính, đề tài về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa,...), cùng giai đoạn sáng tác (trước CMT8, thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, thời kì hiện đại,...) hoặc những nhà văn có sự học hỏi, chịu ảnh hưởng lẫn nhau… để có được cái nhìn khái quát về sự vận động của tiến trình văn học.
Đánh giá, nhận xét, mở rộng
- Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm thơ.
- Khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng: liên hệ, mở rộng đối với những tác phẩm khác cùng đề tài (ví dụ: đề tài người lính, đề tài về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa,...), cùng giai đoạn sáng tác (trước CMT8, thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, thời kì hiện đại,...) hoặc những nhà văn có sự học hỏi, chịu ảnh hưởng lẫn nhau… để có được cái nhìn khái quát về sự vận động của tiến trình văn học.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan