BÀI VĂN MẪU LỚP 11 - VIẾT BÀI VĂN THUYẾT MINH VỀ CHIẾC BÁNH TRUNG THU - PHẦN VIẾT BÀI 1 BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

Ngày 29/08/2023 16:34:09, lượt xem: 23307

Đề bài: Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

 

 

Tháng 9 thu gọi về, hàng hoa sữa bên đường đã nặng bông chỉ chờ ít độ nữa bung nở mà tỏa hương nồng nàn khắp phố phường, dọc tuyến phố Hàng Mã những ngày này cũng nhộn nhịp, rực rỡ đủ loại sắc màu của đèn lồng, đèn ông sao, những dòng chữ treo trước cửa tiệm: “Vui tết trung thu”. Dường như cả trẻ con và người lớn đều đang mong “rước” thu về, người ta xuống phố lựa những chiếc đèn lung linh nhất, hòa vào không khí nô nức của người người, nhà nhà mà chẳng mấy dịp trong năm mới có. Và đặc biệt mỗi dịp thu về cũng là lúc chúng ta sẽ được thưởng thức một món bánh truyền thống không thể thiếu trong Tết Trung thu đó là bánh Trung thu, loại bánh tượng trưng cho sự đoàn viên và hạnh phúc. 

Tháng tám âm lịch theo truyền thuyết là đêm thu đẹp nhất trong năm vì trăng thật to tròn, sáng và đẹp. Trong dịp này người ta thường làm cỗ cúng gia tiên và  đây cũng là dịp để thưởng thức những chiếc bánh Trung thu thơm phức do các bà, các chị tự tay làm hoặc mua những chiếc bánh đủ các kiểu dáng ở ngoài thị trường. Bánh Trung thu được bắt nguồn từ Trung Quốc và sau đó đã được truyền bá rộng rãi đến Việt Nam. Theo truyền thuyết Trung Quốc vào cuối thời Nguyên có cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo, để truyền tin bí mật người dân đã làm ra chiếc bánh hình tròn, bên trong có thêm tờ giấy ghi thời gian để khởi nghĩa bắt đầu là lúc trăng sáng nhất, đó là ngày rằm tháng 8. Sau đó bánh được truyền đi khắp nơi. Từ đó người Trung Quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày rằm tháng 8 để kỷ niệm việc làm ấy. Mặc dù du nhập về Việt Nam nhưng bánh Trung thu ngày nay đã ăn sâu vào trong trong tâm trí người Việt bởi những ý nghĩa mang giá trị nhân văn của chính nó.

Bánh Trung thu được làm từ rất nhiều nguyên liệu:
      Vỏ bánh cần có bột mì và gạo xay hoặc giã nhuyễn, cùng với nước đường và cả nước màu để quét lên trên bánh, trong đó bột mì để làm bánh nướng và gạo để làm bánh dẻo.
      Đến phần nhân, nếu là nhân thập cẩm thì cần nguyên liệu như hạt dưa, bí, sen, thịt, lạp xưởng, lá chanh, mè trắng,…Nhân thuần thì cần khoai hoặc đỗ xay nhuyễn và nhân trứng muối thì thêm trứng đã muối vào giữa nhân thuần.
      Sơ chế xong nguyên liệu, chúng ta sẽ viên nhân thành từng viên tròn và nặn bánh. Bước nặn bánh đòi hỏi người nặn phải tập trung và khéo léo để nhân bánh không bị hở và vỏ bánh kín đều xung quanh.
      Nặn bánh xong, chúng ta dùng khuôn để tạo hình cho bánh và đem bánh đi nướng. Khi nướng cần chú ý tới nhiệt độ và kiểm tra bánh thường xuyên để bánh không bị cháy và chín mềm. 

Nói về cách làm bánh Trung thu cũng đa dạng không kém, tùy vào sở thích, khả năng mà mỗi người, có cách làm, cách thực hiện, sáng tạo ra những loại bánh có phần nhân và vỏ ngon, hấp dẫn khác nhau. Thông thường với quy trình làm bánh Trung thu nướng sẽ có các công đoạn như là: Làm vỏ bánh, làm nhân bánh, cho nhân vào vỏ bánh và cuối cùng đó là nướng bánh. Mỗi công đoạn ta nên chuẩn bị nguyên liệu thật đầy đủ, chọn mẫu khuôn phù hợp và nướng bánh ở nhiệt độ thích hợp để giúp chiếc bánh nướng thơm ngon, vàng ươm hấp dẫn.

Với sự sáng tạo không ngừng của nhiều đầu bếp, thợ bánh mà hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại bánh Trung thu khác nhau, trong đó phải kể đến như: Bánh Trung thu truyền thống, bánh Trung thu nhân đậu xanh, bánh Trung thu nhân hạt sen, bánh Trung thu trà xanh, bánh Trung thu dẻo, bánh Trung thu tiramisu,...Bánh Trung thu Trung Quốc là loại bánh ngọt tròn, đường kính khoảng 10cm và dày 3 - 4cm. Nhân bánh khá phong phú được làm từ đậu đỏ, bột hạt sen được bao quanh bởi lớp vỏ mỏng. Đây được xem là bánh Trung thu truyền thống. Đến Việt Nam thì bánh Trung thu truyền thống gồm 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Nhân bánh có mặn, có ngọt, đủ vị để thể hiện tình cảm ngọt ngào và sự ấm áp của gia đình. Bánh Trung thu hiện đại phần lớn đều có sự cách tân về kiểu dáng và nguyên liệu của bánh có thể là đậu xanh, khoai môn, jambon, socola, hạt sen, trứng muối.

Theo như nguồn gốc kể trên, chiếc bánh Trung thu có hình tròn là biểu tượng cho sự viên mãn, hạnh phúc của ngày họ được bước sang một trang sử mới; ngày mà những người con, người chồng, người cha chinh chiến được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Cũng chính vì thế mà Tết trung thu hay còn được gọi là Tết Đoàn viên. Người ta thường nói tặng bánh Trung thu là gửi tặng cả tấm ân tình. Ngày nay, việc tặng bánh Trung thu trong tháng tám cũng như một truyền thống với nhiều người. Bánh Trung thu không chỉ là chiếc bánh tình thân mà còn là thức quà tặng ý nghĩa tốt đẹp về sự đoàn viên, lòng biết ơn cùng những mối thâm tình bền chặt. Trà và bánh Trung thu là sự kết hợp hoàn hảo khi thưởng thức nhân dịp Trung thu – Tết Đoàn viên.

      Bánh Trung thu là một loại bánh kì công, có vị thơm ngon, không những vậy nó còn mang ý nghĩa rất lớn đối với mỗi gia đình trong ngày tết đoàn viên. Mỗi năm Tết Trung thu đến, mọi gia đình đều quây quần cùng nhau ăn bánh Trung thu, nhấp một ngụm trà, vui cười kể cho nhau nghe những chuyện vừa xảy ra trong nửa năm qua thật ấm áp làm sao! Ngày thơ ấu, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều háo hức đến ngày trăng rằm tháng 8, để được quây quần bên mâm cỗ trông trăng, được múa lân trong tiếng trống tùng dinh dinh, trên tay cầm đèn ông sao, ông sư lấp lánh. Dù đã lớn, ai cũng đem theo những ký ức ấy tươi đẹp bên mình, và rồi, mỗi khi mùa Trung thu đến là một lần được sống lại với tuổi thơ của chính mình. 

 Bánh Trung thu không chỉ là món quà ý nghĩa trong dịp Tết Trung thu mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Cái không khí ấm áp của nhiều người tụ tập dưới đường phố, ánh đèn chi chít khắp mọi nơi. Đứng từ xa nhìn lại giống như một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp. Hòa chung không khí vui tươi đó bánh Trung thu - một món quà ý nghĩa, không thể thiếu, một nét đẹp rất riêng của mỗi độ thu về. Tấm lòng thơm thảo, sự tài hoa, cần mẫn của con người và đất nước Việt Nam đã được gửi gắm vào những chiếc bánh vuông, bánh tròn đó. 

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC VĂN VIP 2K7 để đạt 8+ Văn nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan