MẸ - DÒNG CHẢY TÌNH YÊU

Ngày 20/10/2021 23:56:17, lượt xem: 1819

Trên đời này, nào có ai sinh ra không từ một người mẹ. Một từ “mẹ” thôi nhưng ẩn chứa trong đó là cả một đời người, cả một biển tình yêu rộng lớn. Khi con còn nhỏ, con là con thuyền nhỏ xinh trôi trong vùng an toàn có mẹ. Khi lớn rồi, cánh buồm vươn xa ra biển lớn, mẹ vẫn ở đó chờ con quay về bất cứ khi nào mỏi mệt. Mẹ - Dòng chảy tình yêu. Người mẹ trong đời thực hay trong bất cứ câu chuyện nào cũng vậy, cũng đều chở nặng sứ mệnh cao cả ấy. Dù nghèo khó như bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân hay chịu nhiều tổn thương thể chất như người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, họ đều là những người mẹ chuẩn mực nhất trong tình yêu thương.

 

 

Bà cụ Tứ, người đàn bà hàng chài trước khi là mẹ đều mang thân phận của một người phụ nữ khốn khó. Xuất hiện trong bối cảnh của nạn đói năm 1945, bà cụ Tứ gây ám ảnh với dáng đi lọng khọng, tiếng ho húng hắng, mồm luôn lẩm bẩm tính toán. Cả cuộc đời bà sống trong nghèo khó, lam lũ. Chồng và con gái bà lại mất sớm, chỉ còn lại đứa con trai ngờ nghệch. Số phận đổ lên đôi vai người phụ nữ già ấy nhiều biến cố, nhiều gian truân. Nếu bà cụ Tứ là sống trong thời kì đất nước loạn lạc thì người đàn bà hàng chài lại được nhào nặn lên trong khung cảnh hòa bình. Khi ấy đất nước đang đi trên con đường quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, những năm đầu thống nhất còn nhiều hạn chế dẫn đến hoàn cảnh người đàn bà hàng chài cũng không khá khẩm hơn, vẫn bị cái nghèo, cái đói giày vò, thậm chí như người đàn bà hàng chài còn được miêu tả là xấu xí, thô kệch với khuôn mặt rỗ và tấm áo đã bạc phếch và ngày ngày phải chịu cảnh bạo lực từ người chồng.

Điểm chung của những người phụ nữ khốn khổ ấy là lòng thương con vô bờ bến. Bà cụ Tứ, người mẹ nghèo ngỡ ngàng khi thấy đứa con trai xấu xí, ngu ngơ của mình dắt vợ về ngay giữa nạn đói. Bà là người sẽ quyết định xem người phụ nữ ấy có được ở lại hay không. Điều gì là kim chỉ nam trong quyết định của người mẹ? Đó là tình yêu thương. Bà cụ Tứ đã nhóm lửa yêu thương cho cả con mình và người phụ nữ chịu cảnh vợ theo, vợ nhặt. Bà đồng ý mối hôn sự lạ lùng ấy là đang bắt đầu cho sự thay đổi của con trai mình: Tràng thấy mình có trách nhiệm hơn với cái nhà này. Bà bắt đầu gieo sự sống cho người vợ nhặt để rồi có một người đàn bà mới xuất hiện và chăm lo hạnh phúc cho con trai bà. Bởi người ta có đến mức đường cùng, người ta mới phải theo anh Tràng ngờ nghệch. Bà biết là vậy, may ra trong hoàn cảnh ấy con bà mới có vợ.

Mọi sự lo lắng đều được giấu đi, chỉ còn niềm hân hoan, lạc quan trong lời nói và hành động của người mẹ già. Bà mẹ “mừng lòng” đón cho con trai, đón nhận cả người con dâu khốn khổ. Ngay trong đêm gặp mặt con dâu. bà đã động viên đôi trẻ: “Không ai giàu ba họ, khó ba đời”. Kim Lân đem hy vọng và niềm tin vào lời bà cụ Tứ như một đòn bẩy vô hình. Một người đã sắp gần đất xa trời như bà lại nói toàn chuyện tương lai, chuyện vui,chuyện sướng. Từ chuyện mai này khá khẩm hơn, mua thêm gà về nuôi,... tất cả đều hướng tới tương lai, một tương lai tràn ngập sức sống. Gieo hi vọng, gieo sự sống chính là một khía cạnh giá trị nhân đạo của truyện. Bà cụ Tứ như đang dồn sức yếu lấy đà cho con đường đời của đứa con trai mình vậy.

Người mẹ nào thì cũng một lòng thương con nhưng trong từng hoàn cảnh, họ lại có những cách thể hiện khác nhau. Người đàn bà hàng chài cũng nghèo khó mà cái nghèo khó ấy lại bắt nguồn chính từ những đứa con. Khi ở tòa án huyện, người đàn bà hàng chài luôn lo lắng cho những đứa con của mình, chốc chốc chị lại nhìn xa xăm về phía biển. Chị thương đàn con đông đúc vào mùa biển động phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Chị hi sinh cả danh dự và sức khỏe của mình, mặc người chồng đánh đập, chỉ mong có người đàn ông khỏe mạnh cùng chị chống đỡ gia đình, nuôi nấng những đứa con thành người. Chị không ngần ngại để chồng đánh mà chị lo cho những đứa con mình méo mó nhân cách nên đã xin chồng đánh mình trên bờ. Chị sợ thằng Phát, đứa con trai của mình vì ghét cha đánh mẹ, vì bảo vệ mình mà gây ra điều gì đó tội lỗi. Cuộc đời chị là lo, là sợ, là đau đớn, là cùng cực nhưng chị vẫn vui nhất khi những đứa con của mình được ăn no. Tình yêu khởi phát từ lòng người mẹ hàng chài ấy, bảo vệ và che chở cho đàn con thơ dại. Tình mẫu tử là tấm chắn bảo vệ con mình khỏi những điều xấu xa của cuộc đời.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | BÀ CỤ TỨ - NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH CHO NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

 

Dù là bà cụ Tứ hay người đàn bà hàng chài, họ đều có điểm chung là hi sinh mọi bề cho con cái. Những người mẹ ấy, đều đã khóc vì đứa con. Bà cụ Tứ từng rơi nước mắt trong đêm Tràng dẫn thị về nhà. Ca dao có câu:

“Trồng cây những muốn cây xanh

Nuôi con những muốn con thành thất gia”

Bà cụ Tứ tủi hổ, thương con vì phải lấy vợ trong hoàn cảnh éo le, thương phận mình không đủ sức lo liệu cho con một người vợ tử tế, một đám cưới đàng hoàng, thương thay cả cho người phụ nữ vì muốn được sống mà phải theo không một người đàn ông xa lạ, bỏ hết liêm sỉ và tự trọng. Bà cụ Tứ - một người mẹ nghèo nhưng đầy ắp tình yêu thương, một tình yêu vô bờ không thể đong đếm.

Người đàn bà hàng chài lại rơi nước mắt khi thấy Phát lao ra đánh cha. Giọt nước mắt xấu hổ khi mất hết danh dự trước mặt con cái nhưng cũng là giọt nước mắt đau khổ. Trong những đứa con của mình, chị dành cho nó nhiều sự quan tâm, yêu thương hơn cả phải chăng vì nó giống cha nó nhất. Chị sợ một mai thằng Phát sẽ lại giống cha. Sự hi sinh của những người mẹ luôn bao la nhưng mẹ luôn thấy yêu thương như thế là chưa đủ, họ luôn muốn con mình được sống hạnh phúc hơn, luôn cố gắng để cho con những điều tốt nhất trong khả năng của mình. Mẹ - muôn đời vẫn cứ như vậy, chẳng kể thời thế, đói nghèo ra sao.

Mọi người mẹ trên đời này đều là những đấng cứu thế. Họ tạo ra những sinh linh mới, bảo vệ và nuôi dưỡng chúng. Có câu: Khi muốn bỏ cuộc, hãy nhìn lại lý do ta bắt đầu. Cũng như vậy, những đứa con dù đến phương trời nào thì mẹ vẫn là ngọn hải đăng trên cao tỏa sáng, dẫn lối cho đường con đi và luôn giang rộng vòng tay đón những đứa con vào lòng, ôm ấp, che chở mỗi khi đường đời con gặp bão giông. Người ta nói, về bên mẹ mọi bão giông đều hóa dịu dàng. Văn học cho ta một bà cụ Tứ thắp lên nguồn hạnh phúc cho Tràng và thị, một người đàn bà hàng chài đốt ngọn lửa yêu thương bằng cả thể xác và tinh thần của mình để làm nơi sưởi ấm cho những đứa con thơ. Tôi chợt nhớ về mẹ tôi. Mẹ cũng lam lũ, tần tảo hàng ngày. Dù đã lớn khôn nhưng về với mẹ là sẽ được bé lại, sẽ được ăn món ngon mẹ nấu, được nhõng nhẽo đòi mẹ ôm vào lòng. Chắc không thể có lời lẽ nào diễn tả hết được lòng biết ơn thành kính của một người con dành cho mẹ. Từ vũ trụ văn học bước ra đời thực còn nhiều lắm hình ảnh những người mẹ khác đều tuyệt vời và cao cả như thế:

Đố ai đếm được lá rừng,

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao.

Đố ai đếm được vì sao,

Đố ai đếm được công lao mẹ già. (Ca dao)

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan