MỞ BÀI MẪU BÀI THƠ "TỰ TÌNH" (HỒ XUÂN HƯƠNG) VÀ "THƯƠNG VỢ" (TÚ XƯƠNG) HAY NHẤT 2021

Ngày 10/10/2021 18:47:05, lượt xem: 5509

"Tự tình" hay "Thương vợ" đều là những tác phẩm trọng tâm đáng lưu ý trong chương trình Ngữ Văn 11. Cùng đón nhận chút cảm hứng văn chương từ Học Văn Chị Hiên để học những tác phẩm này dễ hơn các em nhé.

 

Mở bài "Tự tình" 1:
Trong xã hội phong kiến, số phận người phụ nữ luôn chất chứa những oan khổ, éo le và bất công bởi quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại và ăn sâu vào tâm thức con người đã hàng chục thế kỉ. Có những người chỉ biết cắn răng cam chịu nhưng cũng có những người ý thức sâu sắc được bi kịch bản thân, dám cất lên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ. Nữ sĩ họ Hồ là một trong những người phụ nữ làm được điều đó. Một người phụ nữ dám “phơi” cả lòng mình trước nước non, đúng như nhận xét của GS Nguyễn Đăng Mạnh: “Đọc thơ Hồ Xuân Hương, thấy có đủ cả buồn khổ, đắng cay, chán chường, căm uất, đủ cả oán thù, phẫn nộ, thậm chí muốn tung hê tất cả, phá phách tất cả, … nhưng không bao giờ mất niềm tin ở cuộc đời, ở sự sống”. Và bài thơ “Tự tình” (II) đã thể hiện toàn bộ cung bậc cảm xúc ấy một cách chân thật nhất.

Mở bài "Tự tình" 2:
Trong xã hội phong kiến với những lễ giáo khắt khe người phụ nữ luôn phải chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi. Họ bị ràng buộc bởi “Tam tòng tứ đức”, bởi “Công dung ngôn hạnh” mà mất đi quyền làm chủ, quyền hạnh phúc. Đó là nguồn cảm hứng cho các nhà văn nhà thơ luôn có tấm lòng nhân đạo đồng cảm, xót thương cho con người. Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ có nhiều tác phẩm viết về đề tài người phụ nữ cũng là để than ngẫm, thương xót cho chính thân phận của mình. Chùm thơ Tự tình của bà gồm ba bài là sự phản ánh đặc sắc tâm tư, tình cảm của nhà thơ. Trong đó “Tự tình” (bài II) được coi là bài thơ hay nhất khắc họa hình ảnh người phụ nữ mang kiếp “hồng nhan bạc phận”, đường tình duyên không trọn vẹn, quá lứa lỡ thì nhưng luôn khao khát có một hạnh phúc bình dị, đời thường. 

 

ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP BÀI THƠ "THƯƠNG VỢ" CỦA TÚ XƯƠNG

 

Mở bài "Thương vợ" 1:
Từ xưa đến nay thơ văn Trần Tế Xương thường đi theo hai mảng lớn là trào phúng và trữ tình. Có bài hoàn toàn là đả kích, châm biếm, có bài thuần là trữ tình. Mặc dù thế, hai mảng không tuyệt đối ngăn cách. Thường là châm biếm sâu sắc nhưng vẫn chất chứa trữ tình. Ngược lại, trữ tình thấm thía cũng pha chút cười cợt theo thói quen trào phúng. “Thương vợ” chính là một bài thơ như vậy. Đó là một thi phẩm phản ánh bức chân dung bà Tú - người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến với bao vất vả, gian truân nhưng lại vô cùng đảm đang, cả đời lặng lẽ hi sinh vì chồng vì con. Ẩn sau bức chân dung người phụ nữ ấy chính là tấm lòng đầy tình thương yêu, quý trọng và biết ơn của Tú Xương dành cho người vợ của mình.

Mở bài "Thương vợ" 2:
Thơ ca Việt nam từ trước đến nay đã có những bài thơ thương vợ, khóc vợ rất cảm động. Người ta còn truyền tụng một bài thơ của Tự Đức khóc một bà phi có câu:
“Đập vỡ gương ra tìm thấy
Xếp tàn y lại để dành hơi”.
Nỗi nhớ nhung đau đớn ấy còn được Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Khuyến thể hiện cảm động trong bài văn tế, câu đối khóc vợ sau này. Cảm phục, xót thương, trước tấm lòng, đức hi sinh của vợ, bằng giọng văn vừa trào phúng, lại vừa trữ tình Tú Xương đã làm “giàu” thêm đề tài viết về người vợ và kịp đóng góp cho nền văn học Trung đại Việt Nam những thi phẩm để đời thông qua một bài thơ về tình cảm thương vợ hay và sâu sắc: “Thương vợ”.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa CODE 2K4: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4 

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan