Cùng một đề tài nhưng các nhà thơ viết khác nhau như thế nào?

Ngày 11/10/2022 15:40:16, lượt xem: 2691

Mỗi tác phẩm đều mang trong mình nét đặc biệt riêng, dù có chung chủ đề hay đề tài. Vì điều đó thể hiện được "vân chữ" của từng tác giả.

 

 

1. Đất nước:

Đất nước ta đã đi qua ba mươi năm của hai cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ với những khoảnh khắc thật huy hoàng:

“Cha ông ta đâu bố trí những binh đoàn

Trên đỉnh Trường Sơn dọc bờ Đông Hải

Tên Tổ quốc vang vang ngoài bờ cõi

Ta đội triệu tấn bom để hái mặt trời hồng”.

Trong bối cảnh ấy, đất nước đã bước vào thơ ca nghệ thuật trở thành một điểm nhấn quan trọng, một đề tài lớn. Để phản chiếu cả một diện mạo đất nước trong những năm tháng đó, lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều tác phẩm. Cùng viết về đề tài đất nước, cùng đặt tên bài thơ giống nhau nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi lại có những cách tiếp cận và triển khai nội dung khác nhau.

Với “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, cảm nhận về đất nước của ông trải dài từ quá khứ tới tương lai:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã qua

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa đất trời

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

“Đất nước” của tác giả Nguyễn Đình Thi là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc trẻ trung, hiện đại và chút u buồn, trầm lắng nhưng đồng thời cũng không thiếu đi nét truyền thống dân tộc. Tính dân tộc trong bài thơ được thể hiện qua bức tranh Hà Nội với những hình ảnh thiên nhiên mùa thu rất đặc trưng như “gió heo may”, “hương cốm mới”, cảm giác “chớm lạnh” giữa “những phố dài”. Mạch nguồn truyền thống và hiện tại kết hợp với nhau đã tạo nên một đất nước anh hùng. Truyền thống đó đến ngày nay vẫn được lớp người Việt kế thừa và phát huy, không chỉ là về văn hóa, phong tục mà còn về truyền thống anh dũng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương mình.

Cũng là mảnh đất ấy với những đau thương chưa nghỉ ngơi song dưới lăng kính của Nguyễn Khoa Điềm là một “Đất Nước” thật khác. Không giống với nhà thơ Nguyễn Đình Thi dùng mùa thu để nói về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm gây ấn tượng với độc giả bằng một “Đất Nước” đầy màu sắc văn hóa dân gian. Ông đã dùng chất liệu của dân gian, của ca dao, thần thoại để dựng lên hình tượng đất nước với tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”, “Đất Nước của ca dao thần thoại”:

“Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân

Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”.

Đây là một quan điểm mới mẻ nhưng giúp cho người đọc dễ hình dung về một đất nước vừa lớn lao, thiêng liêng vừa gần gũi, quen thuộc. Như vậy, qua việc sử dụng chất liệu văn hóa văn học dân gian, cách định nghĩa đất nước của Nguyễn Khoa Điềm hiện lên rất khúc chiết, không trừu tượng mà cụ thể, dễ hiểu, đầy chất thơ, gắn liền với đời sống của nhân dân.

 

ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN VIẾT MỞ BÀI TỪ MẠCH CẢM XÚC CỦA TÁC PHẨM - BỘ MỞ BÀI HAY NHẤT

 

2. Tình yêu:

Tình yêu là chủ đề quen thuộc trong thơ ca, là chốn đi về của những thi sĩ yêu thích sự lãng mạn. Nhưng không phải vì lẽ đó mà nó thành đơn điệu, nhàm chán. Mỗi bài thơ là một thế giới riêng, mang một nội dung riêng với phong cách riêng của nhà thơ. Chẳng vậy mà trong thi đàn văn học Việt Nam, ta bắt gặp Xuân Diệu tự cho mình là “kẻ uống tình yêu dập cả môi”, ta bắt gặp một hồn thơ chân thật, mộc mạc trong thơ Nguyễn Bính,...và thật bất ngờ khi gặp nữ sĩ Xuân Quỳnh với một tình yêu chung thủy, say đắm.

Trong thi đàn văn học Việt Nam, có lẽ sẽ chẳng có nhà thơ nữ nào như Xuân Quỳnh dám táo bạo mượn sóng để viết về tình yêu của đời mình. Trong thơ của mình, nữ sĩ Xuân Quỳnh thể hiện tình cảm nồng hậu, chung thủy, đầy nữ tính nhưng không kém phần mãnh liệt. “Sóng” của Xuân Quỳnh thể hiện khát khao dâng hiến, tận hiến và bất tử hóa trong tình yêu:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

Đó chính là đức tính hy sinh, là thiên tính nữ trong thơ của nữ thi sĩ, là vẻ đẹp muôn đời của những áng thơ nữ Việt Nam. Không son phấn, không mặt nạ, không vay mượn, Xuân Quỳnh đã gửi câu chuyện của mình vào thơ, sống hết mình trong thơ, trút trọn vẹn cái tôi trữ tình vào mỗi thi phẩm.

Bằng việc rót những giọt mật tình yêu ngọt ngào vào văn chương, những dòng thơ tình Xuân Diệu viết thôi thúc con người ta phải ngay lập tức trải nghiệm thử thứ tình yêu nồng nhiệt, say đắm, táo bạo, mạnh mẽ, gấp gáp chạy đua với thời gian để tận hưởng yêu đương thời tuổi trẻ cuồng nhiệt:

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em, em ơi! Tình non sắp già rồi….”

Tình yêu trong thơ của Xuân Diệu không bao giờ nửa vời, nhợt nhạt. Cái tình yêu của ông là một tình yêu ồn ào, sôi nổi, vồ vập.. Ông khát khao một tình yêu trọn vẹn, đủ đầy, cháy bỏng, muốn đem hết thảy cái dào dạt, cái mãnh liệt của tâm hồn để chiếm đoạt lấy tình yêu của tạo hóa. Xuân Diệu lựa chọn cách tận hưởng những điều tốt đẹp nhất ở hiện tại, trân trọng những khoảnh khắc thực tại của thời gian để vĩnh viễn hóa tuổi trẻ tươi đẹp một đi không trở lại.

 

3. Người lính:

Đề tài người lính là một mảnh đất màu mỡ để những nhà thơ gieo trồng nên những tác phẩm ghi đậm dấu ấn riêng của mình. Từ hai cuộc chiến tranh vĩ đại chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đã có không ít các trung đoàn, tiểu đoàn hăng hái tham gia với nhiều thành tích cũng như sự quả cảm anh dũng hi sinh. Nhưng có lẽ người ta biết đến, nhớ đến, nhắc đến nhiều hơn là “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Bính, “Trên một chiếc xe tăng” của Hữu Thỉnh, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, “Tây Tiến” của Quang Dũng,... Mỗi nhà thơ lại có cách khai thác riêng về đề tài này và đều mở ra những khoảng trời mới đối với độc giả.

Quang Dũng đã dựng lên một tượng đài bất tử về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là bức tượng đài dành cho những người chiến sĩ “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hình tượng người lính trong “Tây Tiến” hiện lên là những chàng trai xuất thân từ thủ đô Hà Nội, tham gia chiến đấu, mang vẻ đẹp của những người tri thức với sự hào hùng từ dáng vẻ ngoại hình “dữ oai hùm”. “mắt trừng”, “súng ngửi trời” đến hào hùng trong ý chí “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” và hào hùng ngay cả trong cái chết: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Quang Dũng luôn đưa vào những vần thơ có sự kết hợp giữa chất nhạc, chất họa, vừa tài hiện hơi thở của những con người bước ra từ chiến trường, vừa để cho thơ của mình có vẽ lãng mạn, hào hoa rất riêng. “Tây Tiến” là bài thơ mang khuynh hướng sử thi kết hợp chặt chẽ với khuynh hướng cảm hứng lãng mạn, mang vẻ đẹp của thời đại và sống mãi trong trái tim người đọc.

Nếu bài thơ “Tây Tiến” là hình ảnh của người lính Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp thì “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là hình ảnh của người lính giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ gian khổ và quyết liệt. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là bức tranh mà tác giả Phạm Tiến Duật khắc họa lên hình ảnh người lính vừa ngang tàng, vừa vui vẻ, dí dỏm:

“Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười haha”

Mặc dù điều kiện thời tiết, hoàn cảnh khó khăn nhưng các anh coi đó như là một món quà mà thiên nhiên ban tặng, tìm ra những thú vui từ hoàn cảnh đó. Họ là những người có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của thế hệ mình. Họ sống trẻ trung, yêu đời, lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Phạm Tiến Duật đã mang đến cho người đọc một bức vẽ về những người chiến sĩ lái xe trẻ trung, sôi nổi qua cái nhìn đậm chất hiện thực về cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

 

2k5 nhanh tay đồng hành cùng chị trong khóa học CODE VĂN 2022 để săn 4.5đ NLVH nha.

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

 

Tin liên quan