TUYỂN TẬP BÀI TẬP LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU

Ngày 06/04/2019 10:53:27, lượt xem: 5678

MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP CƠ BẢN CỦA BÀI ĐỌC HIỂU (TÀI LIỆU SƯU TẦM - HỌC SINH THAM KHẢO)

Dưới đây, chị giới thiệu cho các em một số tài liệu BÀI TẬP DẠNG ĐỌC HIỂU. Các bạn tiến hành làm theo các bước như sau:

- Làm bài tập trực tiếp vào vở, chụp ảnh lại

- Làm bài tập vào word

Sau khi làm xong up bài tập lên nhóm HỌC SINH SÁCH VĂN CHỊ HIÊN để được nhận xét. Chị cũng sẽ up ĐÁP ÁN lên đó để các bạn có thể so sánh với kết quả làm của mình. Có bất cứ băn khoăn gì trong quá trình làm, có thể liên hệ trực tuyến với chị Hiên để được hỗ trợ nhanh nhất. Dưới đây là một số dạng bài đọc hiểu cho các em:

TÀI LIỆU BỘ ĐỀ ÔN ĐỌC HIỂU

ĐỀ 1

Văn bản 1: Đọc đoạn văn sau (lời bài hát Khát Vọng - Phạm Minh Tuấn) và trả lời các câu hỏi:

Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông

Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư

Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư

Câu 1: Chủ đề bài hát là gì? Phương thức biểu đạt của bài hát trên?

Câu 2: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của những biện pháp tu từ được sử dụng trong lời bài hát trên?

Câu 3: Những câu nào trong lời bài hát để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất?

Câu 4: Lời bài hát đem đến cho mọi người cảm xúc gì?

 

ĐỀ 2

Văn bản 1: Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 1 - 4:

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh"

(Lưu Quang Vũ - Tiếng Việt)

1- Văn bản trên thuộc thể thơ nào?

2- Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản.

3- Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt.

4- Viết đoạn văn khoảng 6 - 8 câu, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ ngày nay.

ĐỀ 3:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.”

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn... - Phạm Lữ Ân)

Câu 1. Gọi tên phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Xác định câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn.

Câu 3. Chỉ ra điểm giống nhau về cách lập luận trong 4 câu đầu của đoạn trích.

Câu 4. Cho mọi người biết giá trị riêng (thế mạnh riêng) của bản thân bạn. Trả lời trong khoảng từ 3 - 4 câu.

 

ĐỀ 4:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu

 

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

(Trích Tự hát - Xuân Quỳnh)

Câu 1. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 2. Nêu ý nghĩa của câu thơ: Biết khao khát những điều anh mơ ước.

Câu 3. Trong khổ thơ thứ nhất, những từ ngữ nào nêu lên những trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhân vật “em”?

Câu 4Điều giãi bày gì trong hai khổ thơ trên đã gợi cho anh chị nhiều suy nghĩ nhất? Trả lời trong khoảng từ 3 - 4 câu.

 

ĐỀ 5:

1. Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc…

(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên?

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống?

Câu 4. Đặt tiêu đề cho văn bản trên.

ĐỀ 6

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, một cậu con trai dắt người cha mù vào quán. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học. Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi nói to: "Cho hai bát mì bò!". Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường nói nhỏ với tôi chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội". Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt". Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ... ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy".

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò."Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. "Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

(San San - Hữu Bằng, http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/689.html)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên?

Câu 2: Hãy đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 3: Anh/chị hãy lí giải tại sao cậu con trai lại kín đáo trả lại tiền đĩa thịt bò mà trước đó bà chủ quán mời hai cha con?

Câu 4: Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 5 đến 7 dòng) thể hiện suy nghĩ của mình về tình cảm hai cha con trong văn bản trên?

 

ĐỀ 7

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)

Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giò cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, tr.76 - 77, NXB Hội Nhà văn, 2016)

Câu 1: Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?

Câu 2: Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?

Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?

Câu 4: Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?

 

ĐỀ 8

Đọc văn bản dưới đây rồi trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 6:

Thưa qúi ngài hội thẩm,

Người bạn tốt mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù quay lưng lại chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn.

Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động sai lầm. Những kẻ phủ tục tôn vinh ta khi ta còn thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá và tao khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ ta đi, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta.

Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quí cũng như trong lúc bần hàn, khi khỏe mạnh, cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn con chó trung thánh với tình yêu của nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, , vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và một khi trò đời hạ màn, thần chết rước linh hồn ta đi để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ thì khi ấy còn bên nấm mồ ta con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành ngay khi cả ta đã mất rồi.

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt đại chính là gì? Nêu chủ đề văn bản

Câu 2. Chỉ ra phương tiện liên kết văn bản trong đoạn văn sau: “Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quí cũng như trong lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta hứng chịu khi va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày”.

ĐỀ 9

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
Chuyện kể rằng 
Có quả trứng đại bàng
Rơi vào ổ gà đang ấp
Khi nở ra cùng với bầy gà
Đại bàng con ngượng ngùng chiêm chiếp
Nhảy bay loạng choạng sân nhà.

Không ai nói với đại bàng về những chân trời xa
Về những đại ngàn bí mật
Nên nó vẫn hồn nhiên bới đất
Chỉ có khát vọng mơ hồ
Lâu lâu lại cồn cào trong ngực...
 
Làm sao mà ai biết
Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây
Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?...
                       (Khát vọng, Đặng Hồng Thiệp, Thơ Sông Lam, trang 247, Nxb Hội nhà văn, 2017)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hình ảnh bầy gà trong văn bản?
Câu 3. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:
Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?...
Câu 4. Đọc văn bản trên, anh/chị thấy thông điệp nào có ý nghĩa nhất? Vì sao?

ĐỀ 10

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi

Trưa về đến sau đồi

Gọi con như mọi bận

Mà không nghe trả lời

Thì mẹ ơi đừng giận

Nhìn vở bài Toán đố

Con làm con dở dang

Bỏ quên bên cửa sổ

Đừng bảo con không ngoan

Sân nhà đầy lá rụng

Mẹ đừng trách con lười

Thấy áo con đẫm máu

Mẹ đừng khóc, mẹ ơi !

- Giặc Mĩ nó nhằm con

Mà bắn vào tim mẹ

Đừng khóc con, mẹ nhé

Khóc sao hả căm thù!

Nguyễn Lê

Câu 1. Chỉ ra những phương thức biểu đạt của bài thơ ?

Câu 2. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 3. Nội dung chính của bài thơ ?

Câu 4. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng) trình bày cảm xúc của anh (chị) khi đọc bài thơ ?

ĐỀ 11

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.”

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn...- Phạm Lữ Ân)

Câu 1. Gọi tên phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Xác định câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn.

Câu 3. Chỉ ra điểm giống nhau về cách lập luận trong 4 câu đầu của đoạn trích.

Câu 4. Cho mọi người biết giá trị riêng (thế mạnh riêng) của bản thân bạn. Trả lời trong khoảng từ 3 - 4 câu.

ĐỀ 12

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

NƠI DỰA

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia ?

Khuôn mặt trẻ đẹp chim vào những miền xa nào..

Đứa bé đang lẫm chẫm muôn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước tìmg bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơii dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.

Câu 2: Hãy chỉ ra nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản trên.

Câu 3: Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời?

Câu 4: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng.

(TÀI LIỆU SẼ ĐƯỢC CẬP NHẬT THÊM THEO TỪNG TUẦN - THƯỜNG XUYÊN QUÉT MÃ QR ĐỂ NHẬN TÀI LIỆU)

 

Tin liên quan