TỔNG HỢP DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THEO CHỦ ĐỀ

Ngày 30/06/2023 09:01:12, lượt xem: 19150

Chắc hẳn, khi làm bài Nghị luận xã hội, chúng mình thường khá mất thời gian trong việc làm tìm những dẫn chứng vừa đắt giá, lại vừa phải phù hợp với chủ đề nghị luận.

Vì vậy, HVCH mang đến cho em những dẫn chứng nghị luận xã hội theo từng chủ đề khác nhau, để em dễ dàng áp dụng mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm.

 

-------------------------------------

 

1. LẠC QUAN

  • Lương Việt Quốc: Tinh thần lạc quan trong gian khó, sự cần cù học hỏi đã đưa Lương Việt Quốc thoát ra khỏi số phận của cậu bé nhặt rác trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ngày nào trở thành một CEO nổi tiếng là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất máy bay không người lái.

  • Beethoven (1770 – 1827) là nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Hồi nhỏ, ông bị khiếm thính, sau đó bị điếc hoàn toàn. Tuy vậy, vượt qua mọi trở ngại bằng tinh thần lạc quan, ông vẫn trở thành một nhà soạn nhạc vĩ đại, nổi tiếng thế giới. Ông là hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời, từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang âm nhạc lãng mạn. Beethoven được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều nhà soạn nhạc, nhạc sỹ và khán giả về sau.

 

2. LÀM CHỦ CẢM XÚC

  • Trên cùng đường đua môn điền kinh trong Olympic Tokyo 2020, VĐV Isaiah Jewett của Mỹ và Nijel Amos của Botswana đã bị vấp chân nhau và ngã trong lượt bán kết chạy 800m nam. Thay vì tức giận, họ giúp nhau đứng dậy, khoác tay nhau và dìu nhau hoàn thành đường đua. Hình ảnh ấy đã có ý nghĩa lan tỏa và những người chứng kiến dường như quên mất rằng đó là một cuộc đấu thể thao đôi khi không khoan nhượng để giành ngôi cao nhất.

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một biểu tượng của đối thoại và hòa giải. Tư tưởng của thiền sư là luôn hướng con người đến với sự an tĩnh trong tâm hồn, lắng nghe từng hơi thở để làm chủ được cảm xúc, hoàn cảnh. Trong những việc lớn lao, tinh thần này càng trở nên quan trọng. Ví dụ như vấn đề chiến tranh, khi ở Mỹ và các nước Tây Âu, thiền sư dấn thân vào cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam qua các buổi diễn thuyết, cầu nguyện và quyên góp tài chính ủng hộ nạn nhân chiến tranh. Giới trí thức nước ngoài đánh giá cao hoạt động của thiền sư, đặc biệt mục sư Martin Luther King từng đề cử ông cho giải Nobel hòa bình.

 

3. NGHỊ LỰC SỐNG

  • Nguyễn Mai Anh – cô nữ sinh bại não trở thành sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Lớn lên trong những lời dè bỉu của xã hội và căn bệnh bại não quái ác, Mai Anh đã vươn lên thực hiện ước mơ của chính mình – ước mơ thực hiện sự công bằng trong xã hội.

  • Cô gái không tay Lê Thị Thắm từng kẹp bút vào ngón chân để tập viết trở thành cô giáo dạy Tiếng Anh. Hành trình trở thành giáo viên của Thắm không hề dễ dàng, biết bao nhiêu khó khăn thử thách, nhưng bằng nghị lực phi thường của bản thân, Thắm đã trở thành một cô giáo, được làm việc theo đúng kiến thức, năng lực của mình.

 

ĐỌC THÊM: DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THEO CHỈ ĐỀ (tiếp)

 

4. THEO ĐUỔI ĐAM MÊ

  • Nguyễn Thị Trúc Phương - cô gái 25 tuổi thắp sáng “Giấc mơ bóng đá” cho hàng ngàn trẻ em vùng cao. Sau ba năm thực hiện dự án “Gieo ước mơ bóng đá”, Trúc Phương và cộng sự đã trang bị cơ sở vật chất cho nhiều sân bóng, cùng với đó là những lớp bóng đá miễn phí tại Đăk Nông; Đăk Lắk; Gia Lai; Hà Giang....

  • Harland Sanders – Khởi nghiệp ở tuổi 65 làm nên KFC. Bắt đầu khởi nghiệp và theo đuổi đam mê nấu nướng ở tuổi 65 – độ tuổi mà mọi người đều nghĩ không thể thành công, ông đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình và bị rất nhiều nhà hàng từ chối công thức. Nhưng với đam mê cháy bỏng và sự kiên trì, “Ông gà rán” trở thành triệu phú của chuỗi thương hiệu gà rán nổi tiếng nhất thế giới ở tuổi 88.

 

5. CHO VÀ NHẬN

  • Anh Trần Phước Hòa ở quận Bình Tân là người xây dựng hệ thống quán cơm chay giá 5000 đồng để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

  • Dự án “Tủ sữa mẹ miễn phí” của anh Hoàng Công Minh, cùng với các tình nguyện viên tại TP. Buôn Ma Thuột đã trở thành nhịp cầu lan tỏa sữa mẹ cho các bé sơ sinh, sinh non, hoặc thiếu sữa mẹ trên địa bàn.

  • Cô bé Nguyễn Hải An – cô bé bị ung thư khi 7 tuổi đã cho đi giác mạc của mình để những người sống khác được mang đôi mắt sáng.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan