TÀI LIỆU LỚP 11 - CHƯƠNG TRÌNH MỚI ĐẦY ĐỦ NHẤT

Ngày 27/07/2023 16:59:47, lượt xem: 2631

BỘ TÀI LIỆU TIẾP CẬN NGỮ VĂN 11 

I: Kĩ năng đọc 

1. Thơ và truyện thơ 

  • Khái niệm: Truyện thơ dân gian mang các đặc điểm của văn học dân gian: sáng tác tập thể; phương thức lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng; mang tính nguyên hợp. 
  • Đặc trưng
  • Truyện thơ dân gian có sự kết hợp giữa tự sự (yếu tố truyện) và trữ tình (yếu tố thơ).
  • Cốt truyện của truyện thơ dân gian thường gồm ba phần: Gặp gỡ - Thử thách (hoặc Tai biến) - Đoàn tụ. Tùy từng kiểu truyện mà nội dung ba phần của truyện có sự thay đổi. 
  • Nhân vật của truyện thơ dân gian thường được phân theo loại (tốt - xấu, thiện - ác), được miêu tả qua những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, lời nói) và qua tâm trạng.
  • Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh và các biện pháp tu từ.

2. Truyện thơ Nôm 

  • Khái niệm: là loại hình tác phẩm tự sự độc đáo của văn học trung đại Việt Nam, kết hợp phương thức tự sự và trữ tình, được viết bằng chữ Nôm, chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát. 
  • Đặc trưng:

+ Đặc trưng nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Truyện thơ Nôm vừa phản ánh cuộc sống qua một cốt truyện với hệ thống nhân vật, sự kiện vừa bộc lộ thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả.

+ Đề tài, chủ đề của truyện thơ Nôm rất rộng mở, từ tôn giáo, lịch sử, xã hội đến cuộc sống đời thường; đặt ra nhiều vấn đề bức thiết của thời đại. 

+ Trong truyện thơ Nôm, các câu chuyện thường được kể theo trình tự thời gian với nhiều yếu tố ngẫu nhiên, kì ảo và thường được tổ chức theo mô hình: Gặp gỡ - chia li- đoàn tụ. 

+ Nhân vật của truyện thơ Nôm khá phong phú, đa dạng về thành phần: vua chúa, quay lại, công chúa, tiểu thư, người hầu, người lao động,..nhìn chung, nhân vật ở đây vẫn mang tính loại hình, được dựng lên nhằm khái quát các đặc điểm cố định của một số tầng lớp, loại người trong xã hội hoặc một loại phẩm chất nào đó.

​​3. Truyện ngắn 

  • Khái niệm: Truyện ngắn là thể loại cỡ nhỏ của tác phẩm văn xuôi hư cấu, thường phản ánh một “khoảnh khắc”, một tình huống độc đáo, một sự kiện gây ấn tượng mạnh, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhân vật.
  • Đặc trưng:

+ Kết cấu truyện ngắn không chia thành nhiều tuyến nhân vật; sử dụng chi tiết cô đúc và lối hành văn mang nhiều ẩn ý. 

+ Trong truyện ngắn lời người kể chuyện nhằm giới thiệu, miêu tả nhân vật, bối cảnh; bình luận, dẫn dắt câu chuyện, tạo thành giọng chủ đạo của truyện. 

+ Lời nhân vật là phương tiện bộc lộ ý nghĩ, tâm trạng, cá tính của nhân vật trong từng tình huống cụ thể, góp phần thể hiện phẩm chất, tính cách nhân vật.

+ Truyện ngắn hiện đại thưởng chỉ có 1 - 2 nhân vật chính: tức nhân vật hiện lên như một chủ thể độc lập, giữ vai trò chủ đạo trong việc thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. 

4. Văn bản thông tin

  • Đặc trưng:
  • Nhan đề của văn bản thông tin được tập trung nêu bật đề tài của văn bản; tức là trả lời cho câu hỏi: “Văn bản viết về vấn đề gì?”.

+ Nội dung của văn bản thông tin được tạo thành bởi các yếu tố chính: chủ đề; các ý chính và ý phụ. 

+ Bố cục của văn bản thông tin thường có các phần, mục lớn: nhan đề, sa pô; thời gian và nơi in văn bản; nội dung chính của văn bản. 

+ Văn bản thông tin thường được trình bày bằng kênh chữ và có thể kết hợp với kênh hình. 

+ Thái độ và quan điểm của người viết ở văn bản thông tin được thể hiện ở nội dung đồng tình hay phản đối, ca ngợi hay phê phán thông qua các yếu tố như nhan đề văn bản, cách trình bày thông tin, việc sử dụng ngôn ngữ. 

5. Tùy bút, tản văn, truyện kí

5.1. Tùy bút, tản văn 

  • Khái niệm: 

+ Tùy bút là văn xuôi trữ tình - một loại tác phẩm tự sự phi hư cấu.

+ Tản văn - một loại tác phẩm gần với tùy bút, cũng là tác phẩm tự sự phi hư cấu, sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt. 

  • Đặc trưng:

+ Tùy bút ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang màu sắc cá nhân của người viết về con người và sự việc. 

+ Bài tùy bút thường thể hiện rất rõ cái “tôi” độc đáo, cũng như tâm hồn, tình cảm của tác giả. Ngôn ngữ tùy bút thường rất giàu chất thơ.

+ Nội dung bài tản văn thường nêu lên các hiện tượng chân thực, gần gũi với cuộc sống nhưng giàu ý nghĩa xã hội.

+ Trong tùy bút, tản văn, yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình luôn có sự kết hợp linh hoạt, tùy vào ý tưởng trung tâm được triển khai, đối tượng của sự quan sát, chiêm nghiệm và đặc điểm phong cách nghệ thuật của người viết. 

+ Tùy bút là tiểu loại kí có tính tự do cao, có bố cục linh hoạt, thường nghiêng hẳn về tính trữ tình với điểm tựa là cái tôi của tác giả. Người viết sẽ tùy cảnh, tùy việc, tùy theo cảm hứng mà trình bày, nhận xét, đánh giá, suy tưởng… 

+ Tản văn là một tiểu loại kí thường sử dụng đồng thời cả hai yếu tố tự sự và trữ tình, có thể còn kết hợp nghị luận, miêu tả,... nhằm thể hiện những rung cảm thẩm mĩ và quan sát tinh tế của tác giả về các đối tượng đa dạng trong đời sống.  

5.2. Truyện kí 

  • Khái niệm: Truyện kí là thể loại giao thoa giữa truyện và kí, trong đó, nhà văn dựa vào những con người và sự việc có thật, lựa chọn, sắp xếp và tổ chức thành câu chuyện hấp dẫn, làm nổi bật đối tượng được phản ánh bằng ngôn ngữ văn học 
  • Đặc trưng:

​+ Truyện kí được xếp vào loại văn học phi hư cấu.

+ Tuy nhiên, yếu tố hư cấu vẫn luôn hiện diện trong truyện kí (dù được sử dụng một cách tiết chế), thể hiện ở sự sáng tạo riêng của người viết khi xử lí, tổ chức tư liệu và lựa chọn giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật thích hợp. Yếu tố hư cấu còn được thể hiện qua cách người viết hình dung, miêu tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. 

5.3. Bi kịch 

  • Khái niệm: Bi kịch là thể loại kịch tập trung khai thác những xung đột gay gắt giữa những khát vọng cao đẹp của con người với tình thế bi đát của thực tại, dẫn tới sự thảm bại hay cái chết của nhân vật. 
  • Đặc trưng:

+ Nhân vật chính trong bi kịch thường là nhân vật có những phẩm chất, năng lực vượt trội, có khát vọng và lí tưởng đẹp đẽ nhưng phải đối đầu với mâu thuẫn, xung đột không thể hóa giả hoặc sai lầm của chính bản thân và vì thế phải chấp nhận thất bại hoặc cái chết bi thảm như một tất yếu.

+ Xung đột bi kịch là nhân tố tổ chức tác phẩm kịch, thể hiện sự va chạm, đấu tranh, loại trừ giữa các thế lực đối lập: giữa các mặt khác nhau của cùng một tính cách, giữa các tính cách nhân vật khác nhau, hoặc giữa tính cách nhân vật với hoàn cảnh.  

+ Hành động trong bi kịch của các nhân vật thường được phân thành hai dạng chính: các hành động bên ngoài và các hành động bên trong.

+ Cốt truyện bi kịch thường là một chuỗi các sự kiện dẫn đến những tổn thất, đau thương trong cuộc đời nhân vật chính.

II: Kĩ năng viết 

1. Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm; cấu trúc chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng; sử dụng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.

          Phương pháp 

  • Mở bài:

​+ Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận

+ Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề cần bàn luận.

  • Thân bài:

+ Giải thích được vấn đề cần bàn luận.

+ Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện quan điểm của người viết.

+ Nêu được lí lẽ thuyết phục, đa dạng để làm sáng tỏ luận điểm.

+ Nêu được bằng chứng đầy đủ, phù hợp, xác đáng để làm sáng tỏ lí lẽ. 

+ Trao đổi với các ý kiến trái chiều một cách hợp lí.

  • Kết bài:

+ Khẳng định lại quan điểm của bản thân

+ Đề xuất giải pháp, bài học phù hợp.

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

  • Có mở bài, kết bài ấn tượng

  • Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí.

  • Diễn đạt rõ ràng, rành mạch, không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. 

2. Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng; nêu và nhận xét về nội dung, một số nét nghệ thuật đặc sắc.

  • Viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học  

Phương pháp

  • Mở bài: Giới thiệu tác phẩm văn học (tác giả, tác phẩm, thể loại…) 

  • Thân bài:

+ Trình bày tóm tắt nội dung của tác phẩm.

+ Phân tích, đánh giá giá trị đặc sắc về nội dung của tác phẩm.

+ Phân tích, đánh giá giá trị đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về tác phẩm.

  • Kết bài:

+ Khẳng định lại một cách khái quát giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

+ Nêu ý nghĩa của tác phẩm với bản thân và người đọc. 

3. Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Phương pháp

  • Mở bài: Giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật và nêu khái quát điểm đặc sắc. 
  • Thân bài:

​+ Nhìn nhận khái quát về tác phẩm nghệ thuật (tóm tắt cốt truyện phim; nếu chủ đề và ấn tượng ban đầu về tiết tấu, giai điệu, ca từ của ca khúc; diễn tả bằng lời văn về hình tượng đã được thể hiện bằng chất liệu riêng của tác phẩm tạo hình…) 

+ Phân tích từng khía cạnh nổi bật của tác phẩm nghệ thuật (nội dung, ý nghĩa; hình thức..) với lí lẽ và bằng chứng rõ ràng, đầy đủ. 

+ Nêu nhận xét của người viết về thành công và hạn chế của tác phẩm nghệ thuật. 

  • Kết bài: Nêu đánh giá khái quát về tác phẩm nghệ thuật - giá trị thời sự, hiệu quả tác động tới người xem, dư luận xã hội về tác phẩm nghệ thuật đó. 

4. Viết được bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Phương pháp 

  • Mở bài: Giới thiệu quy trình/ đối tượng và lí do cần thuyết minh. 
  • Thân bài: 

+ Tổng quan về đối tượng/ quy trình cần thuyết minh.

+ Trình bày những đặc điểm cụ thể của đối tượng hoặc các bước/ công đoạn của một quy trình (nguyên liệu thực hiện, các bước tiến hành, yêu cầu thành phẩm, ý nghĩa,...).

+ Miêu tả chi tiết một vài đặc điểm, một vài công đoạn độc đáo, đặc sắc hoặc lồng ghép các nhận xét, đánh giá, bày tỏ cảm xúc. 

+ Phát biểu những suy nghĩ của bản thân.

  • Kết bài: Đánh giá về đối tượng/ quy trình thuyết minh

5. Viết được báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội; biết sử dụng các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu; biết trích dẫn, cước chú, lập danh mục tài liệu tham khảo và sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp. 

Phương pháp 

  • Phần mở đầu:

  • Lí do chọn đề tài nghiên cứu.

  • Lịch sử nghiên cứu vấn đề

  • Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.

  • Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

  • Phương pháp nghiên cứu.

  • Phần nội dung nghiên cứu

  • Khái quát về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội mà bạn nghiên cứu. 

  • Thực trạng của vấn đề đó

  • Những tác động mà vấn đề đó mang lại

  • Giải pháp đối với vấn đề nghiên cứu.

  • Phần kết luận và khuyến nghị

  • Ý nghĩa của việc nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội đó. 

  • Khuyến nghị.

Trình bày, diễn đạt

  • Đề mục rõ ràng, logic, sắp xếp theo trình tự hợp lí.

  • Sử dụng trích dẫn và cước chú đúng quy định.

  • Sử dụng hợp lí, hiệu quả các phương tiện giao tiếp, phi ngôn ngữ.

  • Dùng ngôn ngữ chính xác, khách quan.

  • Diễn đạt rõ ràng, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC VĂN VIP 2K7 để đạt 8+ Văn nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan