Phân tích bà cụ Tứ trong "Vợ Nhặt" (Kim Lân)

Ngày 18/01/2022 16:23:24, lượt xem: 6697

Đề bài: Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân.

 



Yêu cầu đề:
Làm nổi bật lên hình ảnh một người mẹ nghèo khổ được nhà văn xây dựng như một huyền thoại trong xã hội phong kiến. Đặc biệt trong hoàn cảnh đói khổ, người chết đói đầy đường- thảm cảnh của đất nước những năm trước Cách mạng- bà cụ Tứ- điểm sáng của lòng nhân ái, của tình yêu thương con người và một niềm tin bất diệt vào tương lai.


Xây dựng luận điểm:
+ Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ
+ Tâm trạng bà cụ Tứ trước cơ sự của con trai và nàng dâu mới.
+ Bà hướng các con vào tương lai tốt đẹp.
-> Rút ra giá trị tác phẩm


Lập dàn ý:
1. Mở bài
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã đi vào bao áng thơ văn với phẩm chất vô cùng cao quý. Nói về người phụ nữ ấy, người đọc không thể không nghĩ đến hình ảnh bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhăt của nhà văn Kim Lân( 1962). Hình ảnh một người mẹ nghèo khổ được nhà văn xây dựng như một huyền thoại trong xã hội phong kiến. Đặc biệt trong hoàn cảnh tăm tối, đói khát và chết chóc của đất nước trước Cách Mạng tháng Tám 1945, hình ảnh bà cụ Tứ là điểm sáng của lòng nhân ái, của tình yêu thương con người và niềm tin bất diệt vào tương lai.
2. Thân bài
* Giá trị nhân bản của “Vợ nhặt” sẽ giảm đi rất nhiều nếu thiên truyện thiếu vắng bà cụ Tứ
Đặt nhân vật vào hoàn cảnh bất ngờ, đó là việc đứa con trai đưa một người đàn bà về nhà làm vợ giữa những ngày đói khủng khiếp và cái chết đang rình rập gõ cửa từng nhà mới thấy lòng người mẹ già nhân hậu tới nhường nào ! Khi viết về bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân không có những nét hài hước như vợ chồng Tràng, mà ngòi bút thể hiện sự kính trọng tuổi già, thương cảm với nỗi đau đè nặng suốt cuộc đời dằng dặc của bà cụ. Đặc biệt nhà văn đi sâu phân tích tâm lý, tâm trạng và tấm lòng vô cùng đáng quý, đáng trân trọng của một bà mẹ đối với những đứa con.
* Tâm trạng bà cụ Tứ:
- Cũng như mọi người trong xóm ngụ cư, lúc đầu bà rất ngạc nhiên và không hiểu nổi điều gì đang xảy ra khi thấy người đàn bà lạ ở trong nhà mình.
+ Thấy Tràng ra đón từ ngoài ngõ, lại “ reo lên như một đứa trẻ”, vồn vã khác thường, tâm trạng bà cụ Tứ trở nên “ phấp phỏng”, có cái gì đó bất thường đang chờ đợi bà ?
+ “ Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn”. Kim Lân đã khéo chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng bà cụ: “ Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại chào mình bằng u?...Ai thế nhỉ?”
+ Cho đến khi nghe Tràng phân trần cắt nghĩa, bà cụ mới hiểu.Lòng bà ngổn ngang những lo âu, tủi cực, xót thương lẫn vui mừng: “Bà lão cúi đầu nín lặng”.
+ Lòng bà lão đầy những ám ảnh của một quá vãng trĩu nặng những đắng cay: “Bà lão nghĩ đến ông lão, đến đứa con nít, đến cuộc đời cơ cực dài dằng dặc của mình” mà thương, mà tủi cực xót xa: “ Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi…Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt…Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”
-> Nhà văn Kim Lân rất tinh tế trong việc quan sát và miêu tả tâm lý nhân vật. Bà cụ Tứ khi đã thấu hiểu cơ sự của con, bà không sao giấu nổi nỗi buồn lo cho con và xót xa, ai oán cho số kiếp của mình bởi tại cuộc đời quá nghèo khổ. Cơ sự xảy ra thế này làm sao có thể oán trách con, bà khẽ thở dài ngẩng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | BÀ CỤ TỨ - NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH CHO NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM


- Từ chỗ xót xa cho đứa con trai, bà chuyển sang thương xót người đàn bà. Lòng người mẹ nghèo nhân hậu, giàu lòng vị tha ấy thấu hiểu ngay cảnh ngộ của người con gái xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình kia, bà nghĩ:
+ “Người ta có gặp bước khó khan, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình”
+ “Mà con mình mới lấy vợ được…Thôi thì bổn phận là mẹ, bà đã chẳng lo được cho con…May ra mà qua khỏi cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó”.
-> Những suy nghĩ, nỗi lo của bả quả thật là tấm lòng của một người mẹ trải nghiệm, thấu tình đạt lí, vị tha độ lượng. Trái hẳn với quan niệm luân lí phong kiến nghiệt ngã, coi khinh coi rẻ, hắt hủi, đối xử độc ác với nàng dâu, nhất là nàng dâu lại theo không con mình về nhà giữa thời buổi đói kém này.
- Đến đây có lẽ diễn biến của truyện đã lên đến đỉnh điểm. Các nhân vật đều sống trong tâm trạng căng thẳng; đôi vợ chồng mới cưới hồi hộp chờ đợi vào sự phán quyết của người mẹ- người có quyền cao nhất trong nhà, nhưng bà không trút lên đầu họ những lời lẽ xua đuổi cay nghiệt của kiểu mẹ chồng: “Cắn cơm không vỡ cắn tiền vỡ đôi” mà ngược lại, bà nhìn nàng dâu mới nhẹ nhàng nói “Ừ! Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Hai chữ “ mừng lòng” nghe sao mà mộc mạc và ấm lòng đến thế. Tràng thở đánh phào nhẹ nhõm. Kim Lân đã thể hiện được cái thần thái của một tấm lòng vị tha, cao quý mà rất đỗi giản dị của người mẹ. Bà đã đem lại danh dự cho nàng dâu, công nhận chức phận dâu con trong nhà, không bị hắt hủi “vợ nhặt, vợ theo”.
* Bà cụ Tứ hướng các con vào tương lai tốt đẹp:
- Bà dặn dò nàng dâu:
+ “ Nhà ta thì nghèo con ạ! Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông trời cho khá…Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau…”
+ “ Con ngồi xuống đây…cho đỡ mỏi chân”, bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót: “ Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo… Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi”.
+ “ Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!...”. Bà cụ nghẹn ngào không nói được nữa, nước mắt cứ chảy ròng ròng.
- Bà căn dặn con trai: mấy hôm nữa rỗi thì mua ít nứa về mà ngăn cái nhà ra cho khỏi trống; có tiền mua đôi con gà về nuôi, chẳng mấy chốc mà có cả đàn.
- Đón dâu về trong bữa ăn ngày đói thật thảm hại, chỉ có bát cháo loãng, cháo cám, ít rau chuối thái rối và đĩa muối nhưng bà toàn nói chuyện vui, đầy đủ, sung sướng sau này, đem lại cho các con niềm tin vào cuộc sống ngày mai, mặc dù tiếng trống thúc thuế vẫn thôi thúc ngoài đình; không khí ảm đạm, chết chóc vẫn bao trùm không gian cuộc sống.
-> Thật tuyệt vời, nhà văn Kim Lân đã đưa ra một nghịch lý, lẽ ra niềm tin, hi vọng phải gắn với tuổi trẻ sao lại được thể hiện ở một bà lão gần đất xa trời? Phải chăng đó là truyền thống nhân bản của người Việt Nam: “ Có manh áo cộc tre nhường cho con”. Người mẹ không ao ước cho mình mà luôn sống vì con, cho con, hi vọng cho lớp con cháu mai sau. Vì thế niềm hi vọng không bị tàn héo theo sự nghèo đói, theo tuổi tác. Có con dâu về nhà thêm người, thêm của, bà thấy trong lòng đổi thay: “ Nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Trong bức tranh xã hội xám ngắt ấy, bà cụ và người con trai của bà là điểm sang tươi đẹp nhất của đạo lý làm người.
3. Kết bài
Trong khung cảnh đói khát, chết chóc thê thảm của đất nước những năm bốn nhăm ấy, những con người khốn khổ như bà cụ Tứ, họ đã biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, nương tựa vào nhau mà sống quả là đáng quý. Chỉ có tình mẹ con, tình vợ chồng đầm ấm, chân thực mới giúp họ có sức mạnh vượt qua sự thật đắng cay, nghiệt ngã, dằng dặc của mình.Và dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào, ngay cả khi kề bên cái chết, họ vẫn biết vươn lên, khát khao hạnh phúc và tin vào cuộc sống tương lai. Theo lời kể của Kim Lân, ông không muốn dìm người đọc vào cái đói, cái khổ. Vì khi người ta nghĩ đến cái đói, cái khổ là chỉ muốn chết, cho nên dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu cũng đừng hết hi vọng. Hãy nghĩ về cuộc sống tương lai mà sống cho ra người. Đó là ý đồ xây dựng nhân vật theo chiều hướng tích cực của tác giả, đồng thời cũng là ý nghĩa nhân văn cao đẹp của tác phẩm.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan