Nghị luận xã hội về "Ngược đãi động vật"

Ngày 22/04/2023 14:50:57, lượt xem: 4912

-----------------------------------

 

“Này anh bạn, tôi có chai rượu quý mới được tặng, mật gấu hảo hạng đấy, tối nay chúng ta hàn huyên nhé!”. Đó là câu nói tôi vô tình nghe được trên đường đi học về. Ngày nhỏ tôi có một thắc mắc rằng mật gấu là gì mà đôi lúc chúng như một loại đặc sản, đôi lúc lại thành thần dược trị được bách bệnh, ai ốm đau cũng dùng, ai bị thương cũng bôi, ai đi đâu cũng mua về làm quà? Cho đến khi tôi biết được nguồn gốc của chúng, ôi thật bàng hoàng, thật bẽ bàng, đến lúc này tôi mới chợt nhận ra là nạn ngược đãi động vật đang là một vấn đề gây nhức nhối, đáng báo động trong cuộc sống hiện nay.

Con người có nhân quyền bảo vệ, vậy động vật không có nhân quyền thì chúng đáng bị ngược đãi hay sao? Ngược đãi đó chính hành động làm hại hay kiểm soát một chủ thể khác, ngược đãi có thể là về cơ thể, lời nói hoặc cảm xúc. Nhưng tựu chung, tất cả các hình thức ngược đãi đều là hành vi có hại, gây tổn thương đến thể xác, tâm lý và tinh thần của nạn nhân. Trong trường hợp này, các loài động vật vô tình trở thành nạn nhân của con người, chúng như những nô lệ không có quyền lợi, bị con người tiêu khiển hành hạ một cách dã man.

Dạo gần đây, chúng ta không khỏi chấn động khi một vài ngày lướt mạng xã hội lại thấy một vụ bạo hành, ngược đãi động vật gây xôn xao cộng đồng mạng. Chứng tỏ một điều rằng, nạn ngược đãi ấy đang xuất hiện ngày càng nhiều, nào là bạn trai bạo hành thú cưng bạn gái, nào là hai đứa trẻ đánh đập con mèo đến thoi thóp, tất cả cho thấy rằng nhân tính của con người đang dần biến mất và họ đã trút giận lên những con vật nhỏ đáng thương. Không chỉ hiện diện trong đời sống thường ngày, nạn ngược đãi động vật đang lan dần ra từng ngõ ngách, từng khía cạnh của cuộc sống, ví dụ trong ngành công nghiệp làm đẹp, những chú thỏ nhỏ nhắn lại chính là nạn nhân của việc thử mỹ phẩm, hiện trạng này đã được lên án mạnh mẽ và được nhiều người trên thế giới ủng hộ thông qua dự án “Save Ralph”, hình ảnh đó được tái hiện qua chú thỏ Ralph- cậu bị điếc một bên tai, mù một bên mắt, trên người chi chít những vết thương và vết bỏng. Hay với nền công nghiệp thực phẩm, những chú ngỗng trong các trang trại bị ép ăn đến mức mắc gan nhiễm mỡ, nhưng đó lại là mục đích của chủ nông trại, vì khi bị gan nhiễm mỡ, các nhà hàng sẽ có món pate gan ngỗng béo bở. Đó chỉ là một số nhỏ trong từng khía cạnh, chúng ta còn chưa tính những con vật hoang dã bị hành hạ, ngược đãi thậm chí bị săn bắn, giết hại một cách dã man. Hàng năm, không biết bao con tê giác bị giết hại vì thứ “thần dược” trên sống mũi của chúng, voi mẹ ở Ấn Độ ăn phải trái cây có thuốc nổ mất mạng và nhiều loại động vật trong vườn bách thú, rạp xiếc bị hành hạ, đánh đập dã man để phục vụ cho sở thích gọi là bình thường của con người.

Nguyên cớ do đâu mà nạn ngược đãi xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống của chúng ta? Thứ nhất, có lẽ là xuất phát từ tâm lý của con người. Theo bác sĩ Thara, Giám đốc Quỹ nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt ở thành phố Chennai- Ấn Độ nói rằng: “Sự lạm dụng động vật biểu hiện cho hai điều. Đó là mong muốn có quyền kiểm soát những sinh vật yếu, nhỏ bé hơn và đạt được khoái cảm tàn bạo từ nó”. Các chủ thể thực hiện hành vi ngược đãi có thể là những người có tư tưởng bạo lực, có tính bạo lực hoặc sống trong môi trường bạo lực. Khi đứng trước những con vật không có tiếng nói, họ cảm thấy mình là bên mạnh hơn, họ cảm thấy đạt được thành tựu khi hành hạ chúng và tâm trạng sẽ thoải mái hơn. Kế đến là do liên quan đến vấn đề lợi ích kinh tế, trục lợi cá nhân, con người bạo hành động vật để kiếm thêm tiền, lấy những thứ giá trị trên cơ thể chúng. Hoặc ở trong các rạp xiếc, vườn bách thú thì mong muốn những loài động vật sẽ nghe lời họ, thu hút khách tham quan du lịch, bán được nhiều vé hơn. Và có lẽ, nạn ngược đãi động vật xuất hiện ngày một tràn lan cũng một phần do luật pháp chưa được chặt chẽ và chưa xử lý đủ nặng tay. Các hình phạt chỉ xoay quanh phạt hành chính, nhắc nhở nên không đủ sức răn đe, ở Việt Nam đã có điều luật về xử phạt các hành vi săn bắn giết hại, buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhưng lại chưa có điều luật cụ thể về việc bạo hành ngược đãi động vật. Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn đạo luật đầu tiên ở Mỹ quy định ngược đãi động vật là hành vi phạm tội. Người có hành vi tàn ác, tra tấn động vật, người ngược đãi động vật sẽ bị phạt tiền và có thể bị phạt tù đến bảy năm tù, trừng phạt người phát tán video hành hạ động vật trên mạng xã hội một năm tù. Hệ thống luật pháp cần phải quy định rõ hơn về các điều luật bảo vệ động vật.

 

ĐỌC THÊM: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỆ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

 

Như vậy, khi nạn ngược đãi động vật ngày càng xuất hiện tràn lan thì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đầu tiên, khi con người tác động vật lý lên cơ thể của các loài động vật thì sẽ gây tổn hại đến cơ thể và tinh thần của chúng. Về thể chất, khi phải chịu những trận đòn roi vô cớ thì chúng sẽ đau đớn nhường nào, trên cơ thể của chúng sẽ chi chít những vết thương, nỗi đau ấy lại không thể nào cất lên thành lời. Bên cạnh đó, những vết thương khi bị hành hạ, đánh đập không được chữa trị kịp thời sẽ bị nhiễm trùng, khiến nỗi đau đớn của các con vật tăng lên gấp bội phần kéo theo đó sẽ là các căn bệnh da liễu khiến sức khỏe của chúng sẽ bị sa sút nghiêm trọng. Còn về nỗi đau tinh thần, các con vật sẽ có xu hướng sợ hãi con người, sợ hãi mọi thứ xung quanh, nặng hơn là có thể có xu hướng tấn công con người, hung hăng hơn và trở nên mất kiểm soát. Không những vậy, khi phải chịu ngược đãi hành hạ một thời gian dài, các con vật ấy có thể sẽ bị mắc một số chứng bệnh về tâm lý khiến chúng mệt mỏi, chán ăn, chán nản khiến chúng không còn muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài. Một minh chứng điển hình cho hậu quả này chính là chú gấu trúc Ya Ya, sau gần hai mươi năm sống ở sở thú Memphis (Mỹ), chú gấu này xuất hiện với ngoại hình gầy gò ốm yếu, bên cạnh đó chú gấu còn mắc bệnh ngoài da rất nặng kèm theo chứng chán ăn… Tình trạng của chú gấu ấy nói chung là rất tệ và việc đó đã khiến cho người dân Trung Quốc hoài nghi rằng liệu rằng Ya Ya có đang bị ngược đãi bởi trước đó, có một chú gấu trúc tên Le Le- bạn thân của Ya Ya cũng đã qua đời. Qua vụ việc này, người dân Trung Quốc đã yêu cầu đưa Ya Ya trở về nước bởi họ lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy đến nếu chú tiếp tục ở lại đất Mỹ. Bên cạnh việc các loại động vật phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần, nạn ngược đãi động vật sẽ biến xã hội thành xã hội vô nhân tính, là mầm mống cho cái ác sinh sôi và nảy nở. Một xã hội văn minh là một xã hội nói không với hai chữ “bạo lực”, bất kể là con người hay động vật vì động vật cũng là một sinh mệnh, chúng cũng có quyền được sống một cuộc sống hạnh phúc. Nếu chỉ vì chúng không phải là người, chúng nhỏ bé hơn chúng ta, chúng không có tiếng nói mà chúng ta sẵn sàng ngược đãi, bạo hành chúng thì liệu có công bằng không? Không chỉ có vậy, ngược đãi động vật chính là mầm mống cho nhiều thứ bạo lực khác vì nếu cứ bạo lực các con vật nhỏ, dần dần sẽ hình thành trong con người tư duy bạo lực, họ sẽ cảm thấy hành hạ động vật là chưa đủ từ đó sẽ dẫn đến bạo lực những người thân quen,... Kế đến, ngược đãi động vật cũng sẽ làm giảm số lượng động vật trong thiên nhiên, làm giảm số lượng gen động vật. Đối với các loài động vật quý hiếm thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc tâm lý của chúng bị ảnh hưởng khiến vấn đề sinh sản bị trì trệ. Như vậy, nạn ngược đãi động vật gây ảnh hưởng rất lớn đối với các loài động vật và cuộc sống, chúng ta cần có những biện pháp để làm giảm thiểu tình trạng này.

Thứ nhất, không dùng bất kỳ một hình thức bạo lực nào để tác động lên các loài động vật, thứ hai cần tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo vệ động vật thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng sống từ thuở nhỏ cho các bạn học sinh, để các bạn biết yêu quý, bảo vệ động vật. Hơn nữa, Nhà nước cũng cần sát xao hơn trong việc xử phạt các hành vi ngược đãi động vật và đưa ra các điều luật bảo vệ động vật, có như vậy ý thức của con người mới ngày càng được nâng cao. Giữa cuộc sống cằn cỗi hiện tại, vẫn có một đóa hoa nở rộ và tỏa hương thơm đó là Trang Nguyễn. Được biết đến như một “cô gái thép” trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Cô đã vượt qua căn bệnh ung thư để theo đuổi niềm đam mê cũng như tham gia điều tra, triệt phá nhiều đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác khắp châu Phi và châu Á. Đặc biệt, cô gái trẻ đã sáng lập và dẫn dắt Trung tâm hành động vì động vật hoang dã WildAct với nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo tồn. Nhưng trong cuộc sống hiện tại vẫn còn hiếm hoi những người như Trang Nguyễn, ta có thể kể đến hành vi đốt cháy chú mèo ở quận Đống Đa, một chú mèo bị tẩm dầu hỏa đang vùng vẫy thoát khỏi đám cháy trong một chiếc ba lô. Thật may mắn chú mèo thoát chết nhưng cơ thể và bốn chân của chú bị bỏng rất nặng, nguyên do là bởi người bạn trai có xích mích với cô gái nên dùng chú mèo để trút giận, thật tàn nhẫn. Dù trong trường hợp nào, động vật cũng có quyền sống, xin đừng vì bất cứ lý do gì mà ngược đãi chúng. Đối với tôi, là một người yêu quý động vật, tôi luôn dành tình cảm cho chúng và bảo vệ chúng. Vậy nên hãy biết đấu tranh, phê phán nạn ngược đãi động vật, nếu sự tình vượt ngoài tầm kiểm soát ta có thể nhờ sự trợ giúp của các tổ chức bảo vệ động vật…

Mọi lời nói, hô hào khẩu hiệu bảo vệ động vật đều là vô nghĩa nếu chúng ta không đứng lên và hành động. Nạn ngược đãi động vật sẽ mãi tiếp diễn nếu chúng ta thờ ơ, bỏ mặc, coi nhẹ tính mạng của chúng. Động vật cũng là sinh mạng, chúng có quyền sống cuộc đời của chúng. Hãy chung tay đẩy lùi nạn ngược đãi động vật vì một thế giới tốt đẹp hơn.

 

ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC ĐỌC : TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY 

- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan