Nghị luận: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra" (An-đéc-xen)

Ngày 26/11/2022 09:08:57, lượt xem: 22775

Bằng kiến thức Văn học và hiểu biết từ thực tế, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.


Đề thi chọn HSG lớp 9 - Phòng GD & ĐT huyện Cư Kuin


---------------------


BÀI LÀM

“Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (Pautopxki). Đó là cái đẹp muôn hình, muôn vẻ của cuộc đời mà nhà văn phản ánh vào trong tác phẩm. Nếu niềm vui của Nguyễn Thành Long đã đem người đọc đến với vùng đất mới, ở đó có những con người sống giữa non xanh lặng lẽ nhưng vô cùng sôi nổi, hết lòng vì Tổ quốc thì Nguyễn Quang Sáng lại viết nên câu chuyện về tình cha con của những người kháng chiến, những người cách mạng, đó cũng là tình phụ tử muôn đời qua “Chiếc lược ngà”. Tác phẩm là một câu chuyện đẹp bởi: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra" (An-đéc-xen)

Câu nói của Andersen: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” mang ý nghĩa cuộc sống đã thử thách cũng như tiếp thêm, làm tăng thêm tình yêu của những con người trong chính cuộc sống ấy, đó là những tình cảm cao quý: tình phụ tử, tình mẫu tử, tình bà cháu,…Những câu chuyện “cổ tích” trong cuộc sống đẹp không phải vì có sự xuất hiện của hình ảnh ông bụt, bà tiên, phép màu nhiệm,… như trong truyện cổ tích, mà nó đẹp nhờ những tình cảm thật sự giữa con người với con người, từ đó nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người ta những vẻ đẹp rất riêng và vô cùng thiêng liêng, cao quý. Điều đó đã được Nguyễn Quang Sáng thể hiện thành công trên tác phẩm của mình. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là bé Thu và ông Sáu. Ông Sáu là người chiến sĩ vì nước quên thân, ông đã dành 8 năm đằng đẵng ngoài chiến trường, mãi sau mới có cơ hội về thăm bé Thu. Ông đi hồi cô bé chỉ mới một tuổi, những năm ấy ông vẫn không thể gặp lại con mà chỉ nhìn con qua những tấm ảnh cũ bởi bé Thu còn quá nhỏ, vợ không thể dẫn theo mỗi khi đến quân doanh. Truyện thể hiện thật thấm thía, cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.


ĐỌC THÊM: NGHỊ LUẬN VỀ TRIẾT LÍ NHÂN SINH TẠI ĐÂY


Tình cảm của cha con ông Sáu đẹp như bức tranh cổ tích trong sự thử thách của chiến tranh. Chiến tranh đã chia cắt gia đình ông Sáu. Bé Thu lớn lên trong sự yêu thương của má, nhưng em chưa từng gặp ba, em chỉ biết ba qua tấm hình chụp chung với má. Trong tâm trí của cô bé, hình ảnh ông Sáu chỉ là một hình ảnh mờ nhạt mà cô chẳng thể nào nhớ nổi. Ông Sáu được phép về thăm nhà, thăm con sau tám năm ròng xa cách, lòng nôn nao, mong ngóng được gặp con cháy rực trong lòng ông. Không đợi thuyền cập bến, ông Sáu đã “nhón chân nhảy thót lên bờ, xô chiếc xuồng tạt ra” rồi “bước vội vàng với những bước dài”, miệng “kêu to tên con, vừa bước vừa khom người đưa tay đón chờ con”. “Anh không kìm nổi nỗi xúc động” khi gặp lại con, vết sẹo dài bên má lại đỏ ửng, giần giật trông dễ sợ. Giọng lắp bắp, run run: “Ba đây con! Ba đây con!”. Tưởng chừng đứa con gái bé bỏng ngày nào sẽ chạy đến ôm chầm lấy mình, nhưng bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng”. Một cảm giác hoảng hốt và đầy nỗi sợ hãi của Bé Thu. Sau đó cô bé “vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má”. Tiếng kêu ấy như xé lòng, quặn thắt ở trái tim ở người cha mang nhiều hy vọng. Vừa thương, vừa đồng cảm với một cô bé vừa chập chững lớn lại thiếu vắng đi sự chăm sóc đến từ người cha. Tất cả những đau xót ấy đều từ chiến tranh mà ra.

Tình phụ tử là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu sắc tồn tại giữa ba và con. Không một thế lực nào trên trái đất có thể chia cắt đi sợi dây gắn bó diệu kì đó, chiến tranh có thể phá hoại mọi vật chất, ăn mòn tinh thần con người nhưng tuyệt nhiên không thể cắt đứt sợi dây liên kết giữa ông sáu và bé Thu. Tuy vẫn chưa quen với sự xuất hiện của ba nhưng sâu thẳm trong trái tim bé nhỏ là một tình yêu trọn vẹn dành cho ba của mình. Dù chỉ được ngắm nhìn hình ảnh ba qua tấm hình chụp cùng với má, chắc hẳn cô bé không khỏi tự hào khi mình có một người cha dũng cảm, hy sinh thân mình để đổi lấy độc lập tự do cho dân tộc và cho mẹ con Thu. Ở đầu tác phẩm, độc giả thấy hình ảnh một cô bé cá tính, đôi khi lại có phần ương ngạnh nhất định không chịu gọi ông Sáu là ba, thậm chí cô bé còn dùng ánh mắt lạnh lùng và đầy cảnh giác. Mặc cho bà, mẹ liên tục khuyên ngăn, ép buộc nhưng chỉ nhận lại sự vô vọng.

“Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:
– Thì má cứ kêu đi.
Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:
– Vô ăn cơm!
Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:
– Cơm chín rồi!
Anh không quay lại. Con bé bực quá, quay lại bảo mẹ:
– Con kêu rồi mà người ta không nghe.”

Cô bé chọn cách tự xử lí mọi việc, kiên quyết không gọi một tiếng “ba”để nhận được sự hỗ trợ. Đỉnh điểm là lúc bé Thu bị ông Sáu “vung tay đánh vào mông nó và nó hét lên: Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?” khi Thu hất miếng trứng cá ông gắp vào bát chén nó, làm “cơm văng tung toé cả mâm”. Cứ nghĩ rằng “con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giãy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm hoặc chạy vụt đi” nhưng nó chỉ ngồi im, “gắp cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm” và sang “mét với bà ngoại”. Thật kì lạ, khi đến lúc chia tay ông Sáu trở về căn cứ bộ đội, bé Thu lại “có gì đó hơi khác”. “Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa.” Mọi người, kể cả ông Sáu đều nghĩ rằng “con bé sẽ đứng yên đó thôi” nhưng tình cha con trong thời khắc biệt ly lại trỗi dậy, làm dậy sóng tâm can của nhân vật trong tác phẩm cũng như những độc giả.
Bé Thu “bỗng kêu thét lên: Ba… a… a… ba!”, tiếng kêu ấy như vết nứt lòng, “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Nó được thốt lên từ bao năm kìm nén, “vỡ tung từ đáy lòng” của một đứa trẻ chưa bao giờ gặp ba ngoài đời. “Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”. Sự gấp gáp trong cách thể hiện tình cảm qua hành động “vừa kêu vừa chạy xô tới” và cái ôm chặt lấy cổ ba đã bộc lộ tình yêu thương cha sâu nặng của một cô bé tám tuổi. Giây phút chia ly như được kéo giãn thật dài trong những cái nhìn mờ nhòe giọt lệ. Đó là sự nức nở của ông Ba lẫn người trong cuộc, bé Thu khóc và ông Sáu cũng không kìm được nước mắt. Thì ra là do chiếc sẹo bên má phải của ông Sáu đã khiến cô bé không nhận ra ba của mình. Bé Thu vì bảo vệ người ba trong bức ảnh mà quyết không chịu gọi ông Sáu bằng tiếng “ba” được cất giấu từ trong đáy lòng. Tình yêu đối với ba vô cùng to lớn, dù không được ba đồng hành trong suốt quãng thời gian dài nhưng Thu chưa một lần trách móc vì điều đó trái lại cô bé còn cảm thấy thương và yêu ba nhiều hơn. Không chỉ bé Thu, tình yêu của ông Sáu dành cho con còn đặc biệt hơn nhiều.

Dù xa cách nhưng ông Sáu luôn dành cho bé Thu một tình yêu thương đặc biệt. Được trở về nhà vỏn vẹn vài ngày, ông Sáu đã có rất nhiều dự định cho lần nghỉ phép lần này và đặc biệt sẽ dành trọn thời gian cho đứa con gái bé bỏng nên khi được về thăm nhà mấy ngày “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Tình yêu thương của ông Sáu dành cho bé Thu là không thể đong đếm. Xa cách tám năm nên lúc gặp mặt con, ông không thể chờ đợi thêm phút giây nào mà “bước vội vàng với những bước dài”. Tiếng kêu “Thu!con cất lên từ giọng nói chứa đầy sự hồi hộp, kìm nén mà ngay bản thân ông Sáu cũng khó phát hiện. Những ngày chưa được gặp con, người cha ấy khổ sở nôn nao bao nhiêu, thì giây phút được nhìn thấy con, ông càng vồ vập, cuống quýt bấy nhiêu. Và khi con không nhận mình ngay, ông đã đau khổ và kìm nén đau khổ như thế nào. Cái khát khao được gần gũi với con là mong ước mãnh liệt nhất của ông Sáu trong ba ngày về thăm nhà. Vậy mà khi chia tay, ông vẫn kìm lòng, vẫn suy nghĩ đến cảm xúc bé Thu mà “chỉ đừng nhìn nó”.

“Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giãy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu.”
Tưởng chừng ông Sáu không thể nhận được sự đáp lại của con gái trong những ngày về thăm nhà ngắn ngủi nhưng may mắn thay, tình cha con bỗng nhiên trở lại vào đúng thời khắc ngắn ngủi mà nghẹn ngào nhất. Một người lính can đảm trước bom đạn kẻ thù, chưa từng rơi lệ trước cảnh đổ lửa của chiến tranh mà khi đứng trước gia đình, nhưng khi đứng trước đứa con gái bé bỏng và đặc biệt là nghe tiếng gọi “ba” đầu tiên ông đã không ngăn được phút giây yếu đuối của bản thân mình. Đó không chỉ là giọt nước mắt chia ly mà còn là sự giải tỏa cho nỗi nhớ mong bị kìm nén suốt tám năm ròng rã, bị phong tỏa khi bản thân đang trong cuộc chiến tranh đẫm máu tại miền Nam.

 

ĐỌC THÊM: VAI TRÒ CỦA HỌC VẤN TẠI ĐÂY


Sau những ngày trở về căn cứ, nỗi nhớ con không nguôi ngoai, ông tự trách mình vì đã đánh con. Vào đơn vị, ông Sáu luôn nhớ kỹ lời dặn của bé Thu trong lúc mếu máo chia tay ba “Ba về! Ba mua cho con cây lược nghe ba!”. Tình cảm yêu quý và thương nhớ con đã thúc đẩy ông tìm khúc ngà voi để làm chiếc lược tặng con gái. Đó là mong ước đơn sơ của đứa con gái bé bỏng trong giây phút cha con từ biệt. Nhưng đối với người cha ấy, đó là mong ước đầu tiên mà cũng là duy nhất. Cho nên, nó cứ thôi thúc trong lòng, cũng chính từ lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Cho nên cây lược ngà đã kết tinh trong đó tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm sâu xa, đơn sơ mà kì diệu làm sao! Đau đớn thay, chiếc lược ngà chưa kịp trao tay cho đứa con gái bé nhỏ thì ông Sáu đã hy sinh. Đến hơi thở cuối cùng, ông dành luôn cho bé Thu, ông nhờ người bạn chiến đấu thân thiết gửi đến con gái chiếc lược do chính tay ba nó làm. Điều đó còn rõ ràng và thiêng liêng hơn cả một lời di chúc. Bởi đó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng của người bạn thân: ước nguyện của tình phụ tử! Chiến tranh chính là hiện thực đã góp phần tạo nên và nâng cao tình phụ tử thiêng liêng, cao quý của ông Sáu và bé Thu.

Không phải có yếu tố thần kì mới là chuyện cổ tích, “chiếc lược ngà” đã là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình cha con được miêu tả cảm động ở hai phía: người cha, người cán bộ cách mạng và đứa con gái nhỏ. Đó là một tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản và bền vững thể hiện trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng.

“Một tác phẩm nghệ thuật phải là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” (L. Tôn-xtôi). Chiếc lược ngà ra đời là kết tinh từ tình phụ tử cao đẹp cứ truyền qua lồng ngực những người cha như một dòng máu bất tận. Và tình cha con cũng dào dạt muôn đời bất diệt trong lòng những đứa con. “Chiếc lược ngà” quả thực là một “câu chuyện cổ tích” tuyệt đẹp.

 

ĐĂNG KÝ NGAY:

- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC VĂN VIP 2 - 2K9: TẠI ĐÂY

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan