Một số đoạn lí luận hay về đặc trưng nội dung của văn học

Ngày 07/01/2023 17:05:57, lượt xem: 10017

Một trong những yếu tố không thể thiếu trong một bài viết tốt, một bài viết đạt điểm cao đó chính là phần lí luận văn học. Và để hiểu và có thêm nhiều tư liệu về phần lí luận hay về đặc trưng nội dung của văn học, các bạn hay lưu ngay tài liệu dưới đây nhaa
Trích: Tài liệu Khoá học Bồi dưỡng HSG - Lớp 9

 

1. Đoạn 1:

Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời. Sức mạnh của văn học đến từ đâu nếu không phải là nguồn sống, chất sống cất lên từ hiện thực? Tựa như cây xanh muốn vươn cành trổ lá thì phải bắt rễ sâu nơi bầu đất mỡ màu, tác phẩm văn chương muốn chiến thắng sự băng hoại của thời gian thì luôn cần bắt rễ từ hiện thực đời sống con người. Phản ánh đời sống như là một thuộc tính tất yếu, một nền tảng không thể lung lay của văn học. Dù tác phẩm văn học có phong phú đa dạng đến đâu thì bất kì tác phẩm nào – hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, ở mức độ này hay mức độ khác – đều mang trong nó hơi thở của cuộc sống, bóng dáng của thời đại và hiện thực cuộc đời mà ở đó nó được sinh ra. 

 

2. Đoạn 2:

“Tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Thực chất, nhà văn cầm bút lên và viết chính là bắt đầu cho quá trình chắt lọc, nhào nặn, tổ chức lại những chất liệu đời sống theo trí tưởng tượng phong phú và ý đồ nghệ thuật riêng. Vậy nên, mỗi trang văn là một trang đời sâu sắc, từng hơi thở cuộc đời cũng đều có thể tìm thấy cho mình một biểu hiện sinh động qua những hình ảnh hấp dẫn trong trang văn. Chẳng tô vẽ thái quá đâu khi nói văn học là ô cửa mênh mông của tâm hồn mà bạn đọc có thể đến bên và thu trọn trong tầm mắt của mình hình ảnh cuộc sống bao la, phong phú, rồi bạn đọc với cái tâm trong sáng và khát khao tiếp nhận còn có thể bước qua ô cửa ấy để được sống nhiều cuộc đời đã được khắc họa đủ đầy trên trang văn.

 

3. Đoạn 3:

Văn học luôn song hành cùng con người trên hành trình cuộc sống. “Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo” (Ra-xum Ga-đa-tốp). Nhà văn mang trong mình sứ mệnh cao cả - đem trang văn đến với cuộc đời, một cách chân thực, một cách thăng hoa, để trang sách của những tâm sự riêng tư đã vượt khỏi câu chuyện của một người và trở thành câu chuyện của muôn người. Trong trái tim bạn đọc chúng ta luôn cần lắm những rung cảm chân thành trước giọt mật của đời nghệ sĩ ấy, để cảm hiểu, để thiết tha, để ca vang mãi ý nghĩa cao đẹp của văn chương. 

 

4. Đoạn 4:

“Thời gian như là gió / Mùa đi theo tháng năm / Tuổi theo mùa đi mãi” (Xuân Quỳnh). Trước thách thức của thời gian, mọi giá trị đều lu mờ phủ bụi nếu nó không tác động sâu sắc tới lí trí và trái tim con người. Văn chương không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt ấy nhưng kì diệu thay, văn chương chân chính cũng đứng trong hàng ngũ của những thứ “khí giới thanh cao và đắc lực” có sức mạnh trường tồn bền bỉ cùng với đời sống của chúng ta. Để làm nên điều đó, mỗi nhà văn, nhà thơ hãy ngụp lặn giữa bể đời rồi viết nên trang văn, trang thơ bất hủ. Trân trọng tất thảy những lao động nghệ thuật chân chính, tâm hồn ta sẽ được tưới tắm bởi lời hay, ý đẹp và rồi mãi tỏa ngát hương thơm.ư

 

ĐĂNG KÝ NGAY:

- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan