Một số điển tích thường xuyên được lấy làm dẫn chứng văn học

Ngày 07/11/2019 15:04:56, lượt xem: 1479

Một số điển tích thường xuyên được lấy làm dẫn chứng văn học

Một số điển tích

• Múa rìu qua mắt thợ : Lỗ Ban người thợ khéo nổi tiếng của nước Lỗ. Vương Chi Hoán làm bài thơ đề trên mộ Lí Bạch có câu “Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ “, nghĩa là múa rìu lớn trước cửa nhà ông thợ họ Ban, ý nói ông Hoán làm thơ để ở mộ Lí Bạch là múa rìu qua mắt thợ.

• Lục lâm hảo hán: bọn cướp núi Lục lâm, thời Vương Mãng những kẻ nổi dậy chống lại triều đình tụ họp nhau ở núi Lục Lâm cướp phá khắp nơi

• Có công mài sắt có ngày nên kim : Lý Bạch hồi nhỏ rất lười học, ham chơi. Một buổi đi chơi thấy một bà lão suốt ngày ngồi cặm cụi cầm chiếc chày sắt mài đi mài lại. Lý hỏi làm thế để làm gì, bà lão trả lời rằng, mài cho thành chiếc kim khâu. Nhân đó, Lý Bạch tỉnh ngộ và chăm chỉ học hành, về sau trở thành nhà thơ lớn

• Chỉ hươu nói ngựa: Khi Tần Thủy Hoàng chết, Hồ Hợi lên kế vị, Triệu Cao bèn lập mẹo để thử triều thần, xem họ có sẵn sàng thần phục mình hay không. Ông sai gia nhân dắt một con hươu đến sân triều và nói với Tần Nhị Thế: “Bẩm đại vương! Thần có một con ngựa quý muốn hiến cho đại vương”. Nhị Thế ngạc nhiên, nói đây là hươu chứ đâu phải ngựa. Triệu Cao bèn quay hỏi các đại thần, rằng đây là con gì. Nhiều kẻ nhao nhao nói đó là con ngựa. Chỉ có một số ít người khảng khái dám nói đó là con hươu chứ chẳng có gì giống ngựa. Triệu Cao liền bí mật ghi tên những người này vào sổ để sau này sẽ tìm cách trị tội.

• Sư tử Hà Đông: Trần Tạo là người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia, Trung Quốc. Vợ của Trần Tạo là người họ Liễu có máu Hoạn Thư hay ghen kinh khủng lại hung hăng. Trần Tạo rất sợ vợ , hằng ngày Trần Tạo ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om . Bạn của Tạo là Tô Đông Pha làm bài thơ châm biếm có đoạn “Hốt văn Hà Đông sư tử hống,/ Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên” (nghe tiếng gầm của sư tử Hà Đông, gậy văng ra tâm thần hoảng loạn.) Hai chữ “Hà Đông” là mượn ý thơ của Đỗ Phủ “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu] (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Trần Tạo cũng họ Liễu

• Một cuộc bể dâu : xuất phát từ câu “Đông hải tam vi tang điền” nghĩa là “biển Đông ba lần biến thành ruộng dâu”.

• Vật đổi sao dời : từ bài thơ Đằng Vương các của Vương Bột “Vật hoán tinh di kỷ độ thu” (vật đổi sao dời đã biết bao mùa thu rồi)

• Người đầu sông kẻ cuối sông : xuất xứ từ bài thơ Đường “Trường tương tư” của Lương Ý Nương “Ngã tại Tương Giang đầu / Quân tại Tương Giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến / Đồng ẩm Tương Giang thủy”
(Nguồn: Internet)

 

Tài liệu ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia - Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan