Một đám cưới thiếu tất cả mà đầy đủ tất cả, một đám ma có tất cả mà lại chẳng có điều gì

Ngày 28/11/2019 11:42:12, lượt xem: 6131

🌿Phân tích hai chi tiết bữa cơm ngày cưới trong truyện ngắn Vợ Nhặt (Kim Lân) và cảnh đám tang trong Hạnh phúc một tang gia (Vũ Trọng Phụng) để làm rõ nhận định “một đám cưới thiếu tất cả mà đầy đủ tất cả, một đám ma có tất cả mà lại chẳng có điều gì”.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài

- Những nghịch lý, mâu thuẫn luôn là một phương diện của xã hội, nhất là khi xã hội ấy đang rối ren, bế tắc trong cảnh đói nghèo của năm 1945 hay đang bát nháo, giả dối trên con đường Âu hóa ở thành thị. Hãy nhìn vào cái đám cưới qua ngòi bút xây dựng tình huống truyện của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt và cái đám ma được viết bằng nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc một tang gia, để thấy được rằng “một đám cưới thiếu tất cả mà đầy đủ tất cả, một đám ma có tất cả mà lại chẳng có điều gì”

2. Thân bài

a. Cảnh đám cưới trong truyện ngắn Vợ Nhặt

- Tóm tắt tình huống truyện Tràng nhặt được vợ: Tràng là dân xóm ngụ cư nghèo khổ lại xấu xí. Trong cơn đói quay quắt và người chết như ngả rạ, Tràng lại “cưới” một cô vợ nghĩa là thêm một miệng ăn.

- Những cái không có hoặc không bình thường trong “đám cưới”: Đám cưới ở đây được hiểu hoàn toàn theo nghĩa bóng là hai người lấy nhau, về sống cùng nhau trong một mái nhà chứ không hề có một sự chuẩn bị, tổ chức hay bất cứ dấu hiệu nào của cái đám vui.

+ Không có dạm hỏi, làm quen hay mai mối, cũng không hề tìm hiểu nhau như những cái đám cưới bình thường. Lí do Thị theo Tràng về nhà chỉ bằng vài ba câu bông đùa và bốn bát bánh đúc. Để bám víu, tầm gửi thân phận trong cảnh đói khổ Thị đã không hề suy nghĩ lựa chọn cho quyết định của mình còn Tràng thì sự tình đến bất ngờ khiến Tràng chỉ “chậc, kệ” phó mặc cho cuộc đời.

+ Không có sính lễ của đàng trai cũng không có của hồi môn bên đàng gái. Món quà mà Tràng cho vợ ngày cưới là “cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt”.

+ Đám cưới chẳng hề có một quan khách hay họ hàng nào đến chia vui bởi vì nghèo túng miếng cơm còn không có ăn thì lấy đâu đãi khách khứa “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này”

+ Đêm tân hôn diễn ra trong căn chòi rúm ró, phên nứa rách nát lại có tiếng khóc tỉ tê bên ngoài vọng vào.
+ Thảm hại nhất là bữa ăn sáng hôm sau ngày gia đình chào đón nàng dâu mới. Đã không có mâm cao cổ đầy để ra mắt họ hàng lại chẳng được bữa cơm thịnh soạn cho ra hồn “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo… Nồi cháo lõng bõng, mỗi người ăn có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn”. Bữa ăn bị gián đoạn và sự xuất hiện bất ngờ của nồi “chè khoán” - thật ra là món cháo cám chát đắng, thức ăn lẽ ra của động vật chứ không phải con người.

- Đằng sau đám cưới không có gì: Kim Lân xây dựng tình huống truyện và những chi tiết mang sức ám ảnh đến lay động lòng người. Sự tuềnh toàng và thảm hại trong cái đám cưới đã phản ánh được chân dung cảnh nghèo túng đến thảm thương của người dân trước năm 1945, họ phải giành giật, đấu tranh hằng ngày với cái đói, cái chết.

- Ngược lại với cái đói, cái nghèo, con người trong Vợ Nhặt lại ấm áp, giàu tình yêu thương và khát khao sống. Bữa ăn không đủ no nhưng mọi người ăn với thái độ vui vẻ. Đến lúc nồi cháo cám xuất hiện dù miếng cám chát xít nghẹn ứ cổ nhưng cô con dâu vẫn chấp nhận vì cô thông cảm, thấu hiểu cho cảnh ngộ éo le của cơn đói. Bà cụ Tứ hiện lên trong bữa ăn như một ngọn lửa cố gắng đem ánh sáng của mình thắp niềm tin cho hai con. Bà kể toàn những chuyện vui, ở cái tuổi xế chiều bà vẫn lạc quan, tin tưởng vào chân lí của ông bà “không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời”. Bà truyền cho các con mình chút an ủi, chút hi vọng cho cuộc sống quá tối tăm. Chi tiết nồi chè khoán “ngon đáo để” là chi tiết xúc động về tình mẫu tử về tấm lòng nhân hậu của người mẹ nghèo.

- Trong tất cả những thứ không có thì Kim Lân đã khẳng định điều thiêng liêng tồn tại trong truyện, đó chính là tình người. Tình người giúp Thị tìm được nơi nương tựa, giúp Tràng và bà cụ Tứ thêm hi vọng sống, giúp xóm ngụ cư vui tươi hơn mọi khi và cũng giúp trang văn ấm áp lạ thường.

b. Một đám ma có tất cả mà lại chẳng có điều gì

- Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến đám tang: Cụ cố Tổ trước đó đã mấy lần suýt chết, mấy lần khiến cho đám con cháu mừng hụt, và lần này cụ chết thật vì có sự tham gia của Xuân đốc tờ.

Ngay nhan đề đoạn trích cũng chứa đựng nghịch lí trào phúng. Thông thường nghĩ đến tang gia người ta nghĩ đến sự đau buồn vì ai lại vui được khi vừa mất đi một người thân, kể cả những người dưng, nghĩa tử là nghĩa tận. Bằng nghệ thuật trào phúng, Vũ Trọng Phụng phản ánh một sự thật mỉa mai: con cháu của đại gia đình này thật sự sung sướng, hạnh phúc khi cụ cố Tổ chết. Nghệ thuật trào phúng cho phép nhà văn xây dựng một cái ma có tất cả nhưng lại chẳng có gì:

+ Có một đám con cháu đông đúc đang đợi phát tang để tỏ vẻ đau thương đưa người về nơi an nghĩ: cụ cố Hồng thì mơ màng nghĩ đến lúc được mặc áo xô gai, chống gậy, ho khạc, mếu máu để thiên hạ chỉ trỏ “Úi kìa, con giai nhớn đã già thế kia kìa”; vợ chồng ông Văn Minh (cháu nội) thì vui vì cái chúc thư kia đã thực thi và được dịp khoe những bộ trang phục của tiệm may nhà mình; Tuyết - cô cháu gái trên mặt một nét buồn lãng mạn rất đúng mốt nhà có tang nhưng trên người thì mặc bộ ngây thơ cho thiên hạ biết mình còn nửa chữ trinh; cậu Tú Tân được dịp dùng đến những chiếc máy ảnh để trổ tài chụp ảnh; cháu rể người chết là ông Phán mọc sừng thì giả vờ đau khổ để che mắt mọi người về giá trị đôi sừng trên đầu ông…

+ Có đám đông vui lây những niềm vui của gia chủ: hai vị cảnh sát “sung sướng cực điểm” khi đang thất nghiệp mà được mời dẹp trật tự cho đám ma; Xuân thì lấy được lòng tin, uy tín với gia chủ vì nhờ hắn mà cái chết của người đáng chết kia đã thành sự thật; bạn bè cụ cố Hồng thì được dịp khoe đủ thứ huy chương, huy hiệu và ngắm cô Tuyết; trai thanh gái lịch xem đám tang là dịp để bình phẩm, chê bai, cười tình…

+ Có tất cả đầy đủ những lễ nghi cần thiết của một đám ma to, long trọng nhất vùng: đồ tang được thiết kế riêng với những kiểu dáng thời thượng của tiệm may Âu Hóa; đưa tang là đội kèn kết hợp Tây, Tàu, Ta lẫn lộn nghe ai oán mà náo nức, mọi ngươi thi nhau chụp ảnh kỉ niệm như hội chợ; tràn ngập vòng hoa, câu đối, có cả sư trụ trì của chùa…

+ Có tiếng khóc thương đến đau lòng của những đứa con, cháu đặc biệt là ông cháu rể quý hóa khóc hứt hứt để che đậy cái giá trị của chiếc sừng trên đầu mình.

- Đằng sau cái vẻ ngoài long trọng của đám ma là một xã hội thành thị thu nhỏ với đủ hạng người đê hèn, ích kỉ, mưu mô, tham lam, giả dối, hám danh, hám lợi…

- Đám tang có tất cả nhưng những thứ ấy chắc gì khiến người chết gật gù cái đầu vì sự rỗng tuếch trong những tâm hồn thiếu vắng tình người. Một lũ con cháu tham lam, bất hiếu, chỉ đợi thời cơ để giành giật, tranh phần và mong chờ cái chết của cha, ông mình đến bối rối. Một lũ người dự tang bề ngoài đạo mạo mà trong lòng chỉ mong muốn hư danh.

c. Điểm giống và khác của hai chi tiết nghệ thuật:

- Giống nhau: đều là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc được tác giả chọn lọc và xây dựng nên tình huống truyện; đều nói về những sự kiện trọng đại của đời người.

- Khác nhau:

+ Cảnh đám cưới của Vợ Nhặt được Kim Lân xây dựng trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn con người, tình người và sức sống, khát vọng hạnh phúc ở người lao động

+ Vũ Trọng Phụng dùng ngòi bút trào phúng để đả kích, châm biếm xã hội thượng lưu mục nát, rỗng tuếch, giả dối mà làm ra vẻ văn minh, đạo đức.

3. Kết bài:

- Xã hội bao gồm nhiều mảnh ghép nhỏ mà mỗi nhà văn là người phản ánh từng khía cạnh ấy trong cuộc sống. Nếu Kim Lân xây dựng tình huống đám cưới chẳng có gì để khẳng định phẩm chất con người lao động ở nông thôn thì Vũ Trọng Phụng lại đặt nhân vật mình trong tấn hài kịch cười ra nước mắt để chế giễu sự thối nát của tầng lớp thượng lưu thành thị trước CM tháng Tám.

 

Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia 2020 - Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan