Cảm nhận vẻ đẹp dòng nước mắt của bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài

Ngày 08/04/2022 08:47:54, lượt xem: 3165

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp dòng nước mắt của bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài.

 


Bài làm vẻ đẹp dòng nước mắt của bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài


Trên đời này, nào có ai sinh ra không từ một người mẹ. Một từ “mẹ” thôi nhưng ẩn chứa trong đó là cả một đời người, cả một biển tình yêu rộng lớn. Khi con còn nhỏ, con là con thuyền nhỏ xinh trôi trong vùng an toàn có mẹ. Khi lớn rồi, cánh buồm vươn xa ra biển lớn, mẹ vẫn ở đó, tựa cửa chờ con quay về bất cứ khi nào mỏi mệt. Mẹ - dòng chảy tình yêu. Người mẹ trong đời thực hay trong bất cứ câu chuyện nào cũng vậy, cũng đều chở nặng sứ mệnh cao cả ấy. Dù nghèo khó như bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân hay chịu nhiều tổn thương như người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, họ đều là những người mẹ yêu thương con hết mực. Phải chăng từ tình yêu ấy mà đôi lần ta đã thấy trên gò má những người mẹ nghèo đã trào dâng “những giọt ngọc”, “giọt châu của loài người”.
Người ta nói khi giọt nước mắt của một ai đó rơi xuống cũng là lúc trái tim họ đang vỡ nát bởi những tổn thương vô cùng. Tổn thương đó có thể bắt nguồn từ những lớn lao trời bể, thậm chí còn từ những vụn vặt đời thường. Dẫu là từ đâu thì trái tim họ vẫn mang những vết thương khó liền. Và giọt nước mắt đã đi vào văn chương như một cách để diễn tả những nỗi đau vô cùng, vô tận của nhân vật.
Tôi nhớ trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, giọt nước mắt của người đàn bà nhỏ xuống bởi những đớn đau của tâm hồn, nỗi đau xé nát tâm can của một người mẹ. Lúc dơ lưng chịu những trận đòn “như lửa cháy” của chồng, dù đau đến mấy chị vẫn không hề kêu xin, khóc lóc. Nhưng khi nhìn thấy đứa con chứng kiến được toàn bộ tấn bi kịch gia đình, chị đã không cầm nổi những giọt nước mắt đau đớn. Sự xuất hiện của đứa con như “một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”. Làm sao diễn tả được sự tan nát của trái tim người mẹ khi chứng kiến cảnh đứa con mình “nhảy xổ vào bố nó như một con sói con”, “giằng được chiếc thắt lưng, liền rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực” ông ta. Cái phản ứng tự nhiên của một tâm hồn trẻ thơ thương mẹ, lại khiến cho người mẹ “dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Bà gọi tên con, “ôm chầm lấy nó ”, rồi lại buông ra “chắp tay vái lấy vái để rồi lại ôm chầm lấy”. Có phải bà đau đớn vì rốt cuộc đã không sao tránh được cho con khỏi bị tổn thương vì bạo lực gia đình. Bà xấu hổ, nhục nhã vì phải giấu giếm con tình trạng khốn khổ của mình, dù bà đã hết sức che chắn. Bà xót xa vì niềm tin trong trẻo của con thơ đã bị rạn vỡ. Bà “vái lấy vái để” đứa con để “tạ tội” với nó, hay cầu xin nó đừng căm thù người cha đẻ của mình, đừng trở nên độc ác như bố nó. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ lúc này? Ẩn sâu trong trái tim đang rỉ máu của người mẹ, là lòng yêu thương con vò xé tâm can. Những giọt nước mắt đau đớn chứa đựng biết bao sự nhọc nhằn chỉ thực sự rơi khi thấy đứa con yêu của mình chứng kiến cảnh tượng mình bị chồng đánh, chỉ thực sự rơi khi có người khách lạ chứng kiến.

 

ĐỌC THÊM VẺ ĐẸP KHUẤT LẤP NHÂN VẬT VỢ NHẶT VÀ TINH THẦN NHÂN ĐẠO CỦA TÁC PHẨM


Giọt nước nơi người đàn bà hàng chài khiến tôi nhớ đến giọt nước mắt ròng ròng chảy xuống không sao ngăn lại được của bà cụ Tứ khi hiểu ra cơ sự nhặt vợ của anh cu Tràng: “kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Trong cảnh đói khát cơ cực ấy, Tràng lấy được vợ khiến bà cụ Tứ mừng lòng nhưng sự lo lắng cho tương lai của những đứa con tội nghiệp ấy mới thật sự lớn lao trời bể, thật đúng khi nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thổ lộ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”. Lo lắng cho cảnh ngộ đói khát của đôi vợ chồng trẻ: bà cụ nghẹn lời không nói, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Khi nghe thấy tiếng trống thúc thuế, bà vội ngoảnh mặt đi, bà không muốn để con dâu nhìn thấy bà khóc. Giọt nước mắt của bà cụ Tứ góp phần thể hiện nỗi xót xa của người mẹ trước cảnh ngộ của con lấy vợ giữa “tao đoạn” và số phận không được bằng người. Việc lấy vợ của con là vui nhưng vì cái cái đói, cái chết mà khiến bà xót xa, tủi thân, tủi phận. Giọt nước mắt khổ đau ấy như lời kết án sâu sắc thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy dân ta đến thảm cảnh cùng cực đó. Giọt nước mắt cho thấy tấm lòng chan chứa yêu thương con của người mẹ, những giọt nước mắt như cố kìm nén (rỉ ra hai dòng nước mắt, ngoảnh vội ra ngoài). Thương con, mừng lòng trước hạnh phúc của con, bà đào sâu chôn chặt, dấu đi nỗi lo lắng, bà khóc thầm, khóc vụng, để rồi chỉ nói những lời yêu thương, động viên con.
Hoàn cảnh riêng của hai nhân vật khác nhau nên dòng nước mắt cũng mang nỗi niềm riêng. Chi tiết “dòng nước mắt” của bà cụ Tứ gắn với tình huống anh cu Tràng “nhặt” được vợ, bà cụ tuy cảm thấy ai oán, xót xa và thương cho số kiếp đứa con mình và cũng xót tủi cho chính thân phận mình nhưng phía trước bà cụ là ánh sáng của hạnh phúc nhen nhóm. Còn “dòng nước mắt” của người đàn bà hàng chài chan chứa sau sự việc thằng Phác đánh lại bố để bảo vệ mẹ và hoàn cảnh éo le, ngang trái của gia đình chị diễn ra trước mắt nghệ sĩ Phùng. Chị cảm thấy đau đớn, nhục nhã vì không thể giấu được bi kịch gia đình, vì thương xót, lo lắng cho con. Tội nghiệp thay khi phía trước chị là một màu mù xám, bế tắc. Hai người mẹ ấy đã khóc vì những căn nguyên khác nhau nhưng truy tìm nguyên nhân sâu xa thì có lẽ lại có điểm gặp gỡ, tương đồng. Họ khóc vì yêu, vì thương những đứa con của của mình. Tình yêu của mẹ dành cho con vẫn cứ mênh mông lớn lao là thế! Vậy nên đời này “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.
Nguyễn Thanh Tú đã từng nói “Một tác phẩm được ví như dây bóng đèn điện thì những chi tiết hay như những sợi dây tóc phát sáng”. Và giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài và bà cụ Tứ chính là dây tóc phát sáng ấy. Bởi giọt nước mắt đã phơi bày trước mắt ta hiện thực khổ đau trong xã hội. Đồng thời cũng mang đến cho người đọc sự cảm thương sâu sắc và khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Từ vũ trụ văn học bước ra đời thực còn nhiều lắm hình ảnh những người mẹ khác đều tuyệt vời và cao cả như thế:
Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao.
Đố ai đếm được vì sao,
Đố ai đếm được công lao mẹ già.
(Ca dao)

 

Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan